Wednesday 2 March 2011

Những Cánh Thư Không Hồi Âm


Tôi lại nhận được thư anh, cũng trong khi mùa xuân đang bước đi và nhường cho mùa hè đang trở lại.


Lá thư này cũng vẫn là bì thư có lằn xanh đỏ từ chốn gọi là “Thiên đường Cộng Sản” nhưng địa chỉ không còn ở Sài Gòn, mà là một tỉnh lẻ, anh đã về lại Tuy Hòa, nơi anh và tôi đã sống qua thời kỳ niên thiếu. Lá thư đầu tiên anh viết cho tôi, nay đã 5 năm, từ đó anh không còn gửi một cái thư nào cả, và cũng để tôn trọng lời yêu cầu của anh, tôi không hồi âm, cũng không tìm cách liên lạc vì anh nói trong thơ, nếu tôi hồi âm anh sẽ không bao giờ viết nữa. Anh cho rằng như vậy tôi và anh sẽ còn giữ cho nhau những gì quý nhất, đẹp nhất. Tôi hứa với lòng sẽ làm theo lời anh, chỉ mong nhận thư anh, sẽ không trả lời nhưng cuối cùng, trong một phút không cầm lòng được, tôi đã không giữ lời hứa, tôi có viết cho anh một lá thơ và lá thơ đó một đi không bao giờ trở lại. Từ đó tới nay đã 5 năm trôi qua và trong thời gian dài đăng đẵng này, ban ngày vì bận rộn, không có thì giờ suy nghĩ, nhưng khi đêm đến trong những cơn ngủ chập chờn, tôi đã mơ thấy anh và hôm sau, tôi lục lọi thùng thơ, hy vọng một lá thơ mình đợi mong, sẽ bất ngờ nằm trong đó.

Nhìn nét chữ quen thuộc lả lướt của anh, tôi không khỏi cảm động và pha một chút thán phục. Anh đã mất đi một cánh tay trong trận chiến ác liệt với Việt Cộng nhưng nét chữ bay bướm của anh vẫn còn đó, ngạo nghễ, tự hào.

Đầu thơ, anh chỉ nói đã dời về Tuy Hòa - sau nhiều năm sống tại Sài Gòn và anh quyết định ở lại đây vì nơi đây có quá nhiều kỷ niệm, dầu cuộc sống đôi khi không cho phép để nhớ về những kỷ niệm đó nữa... Ðoạn này tôi chỉ đoán là anh nhớ đến tôi... Anh hỏi tôi tới bây giờ đã có một lần nào về thăm lại quê hương chưa. Anh nói nếu em đã về thì anh đã mất một dịp gặp lại em rồi, anh nói anh biết anh mâu thuẫn, không muốn tôi liên lạc sau khi nhận thư anh, nhưng một góc nào đó trong trái tim, anh vẫn muốn thấy “dung nhan ấy bây giờ ra sao?" Đọc tới đây, tôi gấp bức thư lại để trước ngực, hình dung lại vẻ mặt của anh khi anh cất tiếng hát “....xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?” Tôi chợt liếc nhìn cái gương treo gần đó và mỉm cười chua chát, chắc chắn em không còn “đôi má đào, như ngày nào" nữa anh ạ! Hơn 40 năm rồi kể từ ngày chúng ta gặp nhau lần cuối, ai biết đó sẽ là lần cuối! Nếu tôi biết được lúc ấy là lần cuối, tôi đã không giận hờn để anh cuống quít xin lỗi vì một lời nói đùa, mà tôi chỉ muốn hành hạ anh cho thỏa tự ái, anh phải dỗ dành hàng mấy ngày, có khi hàng tuần mới hết giận. Nếu tôi biết có ngày anh sẽ dâng hiến cho núi sông một cánh tay, tôi đã lắng nghe lời giải thích của anh về tấm hình oan nghiệt... Chữ “nếu” lớn nhất tới bây giờ tôi vẫn còn ân hận, là nếu không vì tự ái quá lớn, tôi đã không xa anh vĩnh viễn và nếu tôi có phép thần thông, tôi sẽ quay ngược kim đồng hồ, dừng lại ở những giây phút hai đứa bên nhau!

Tôi ngừng đọc bức thơ mới, lấy bức hình từ trong lá thư của 5 năm về trước ra xem để mường tượng lại gương mặt của anh. Bức hình trắng đen cũ kỹ, tôi cất rất kỹ cả trong ngăn kéo cuộc đời và ngăn kéo của trái tim tôi. Anh viết: biển Tuy Hòa vẫn sóng vỗ rạt rào và anh hình dung đâu đó những tà áo trắng tung bay, những vết chân trên cát của đám học trò cả gái, cả trai tinh nghịch vui đùa thỏa thích. Tôi nhớ lại con đường dẫn xuống biển của tuổi học trò, con đường lúc ấy đạp xe từng cặp, áo dắt ở lưng quần để “giây sên” đừng cắn đứt, đứa ngồi sau cũng vén áo cẩn thận, lũ con trai làm tàng đạp thật nhanh, tụi con gái chúng tôi lè lưỡi ra nhát. Anh đạp xe song song hỏi nhỏ Thuận “Thuận chở Thu nặng quá, đạp không nổi kia tề, để anh chở Thu cho." Thuận chưa biết trả lời ra sao, tôi vùng vằng ngúng nguẩy, “Không chịu mô, dị òm!” Anh mỉm cười không ép, tiếp tục đi kề bên như muốn tiếp sức cho chúng tôi vì con đường chạy tới bãi biển khá xa. Những con còng nhỏ li ti bò thật nhanh trên bãi cát và trốn thật lẹ với những cái càng nhỏ xíu. Anh chỉ con còng trêu tôi “Nè, con còng nhanh còn hơn Thu nữa kìa, cứ trốn anh hoài." Tôi vùng vằng: "Trốn mô nờ! nhưng đừng có tới nói chuyện nhiều rứa, mạ biết la chết." Anh cười: "Làm răng mạ biết được." Mạ cũng không thể nào biết được hai đứa hẹn hò nhau ở nhà con Bân mà tôi nói là đi chép bài hoặc trao đổi vài ánh mắt nụ cười trong những lần cắm trại của trường, và mạ cũng không bao giờ biết được có những lúc tôi nằm để giọt nước mắt ướt gối vì giận hờn anh. Mối tình thật trong trắng thơ ngây của tuổi học trò nhưng phải giấu diếm vì mạ muốn tôi học thành tài, không yêu đương vớ vẩn.

Mạ không biết nhưng anh Quang biết và anh Quang giận anh, cho anh không đứng đắn. Anh và anh Quang học cùng đệ nhị cấp, nhưng không học cùng lớp, anh Quang ban B và anh ban C. Anh Quang hay nói, “thằng nớ chỉ lo đờn, hát và tán gái." Tôi phụng phịu không đồng ý nhưng không dám cãi. Tôi biết anh có tính nghệ sĩ, có nhiều bạn và cũng có nhiều cô gái đẹp ở trường chú ý, lòng anh ra sao tôi không biết nhưng tôi chưa hề thấy anh cợt nhã với ai. Với tôi anh cũng săn sóc một cách lịch sự, chừng mực, anh nở nụ cười nửa miệng “bé ráng học cho giỏi mạ, anh thương”. Đôi lúc tôi nghĩ hay anh chỉ xem tôi “là người em gái thôi", nhưng khi nhìn ánh mắt anh, tôi choáng ngợp, tôi biết anh thương tôi.

Cho tới ngày tôi tìm được trong tập vở của anh hình một người con gái khác, tôi quăng hình và vở của anh, trong khi anh cố gắng giải thích, hình đó của N. tự bỏ vào vở của anh. Tôi làm sao tin được, tôi nhớ đến lời anh Quang nói về anh. Từ đó, tôi nhất định xa anh, mặc dù anh làm gan đến nhà tỏ ý thân thiện với anh Quang trước và mặc dầu anh Quang không tiếp anh vồn vã lắm, nhưng anh vẫn mặc, tôi nhìn ra ngoài phòng khách bắt gặp ánh mắt băn khoăn của anh, anh không biết tôi có nhà hay không, nhưng không dám hỏi, ngồi một lát anh thất vọng chào về. Từ đó tôi mất anh, anh theo gia đình vào Sài Gòn sau khi gởi tôi những lá thơ và biết không bao giờ được hồi âm. Vài năm sau, nghe tin anh đã kết hôn với người trong bức ảnh! Tôi chỉ nghe lại từ một người bạn khác nói N. đeo đuổi anh cho tới lúc được anh. Nhưng sau đó cũng chính người này bỏ rơi anh!

Cũng do người quen kể lại, tôi biết anh đi lính Không Quân, đầu đội trời chân ít khi chạm đất, anh được nhiều huy chương vì có nhiều chiến công với những phi vụ can trường và cũng vì can trường anh đã để lại trong rừng sâu cả một cánh tay. Tôi cũng đã lập gia đình, ba má tôi ở lại Việt Nam và cũng đã lần lượt qua đời sau một thời gian sau khi Cộng Sản xâm chiếm miền nam. Tôi đã trôi theo dòng người di tản, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử lòai người. Trước đó, mạ cũng nhắc về anh, mạ nói sau này anh có về Tuy Hòa và lại thăm mạ và anh Quang. Mạ nói anh Quang và anh sau này hiểu nhau hơn và trở thành đôi bạn thân! Thật không ngờ! Mạ hỏi tôi có biết anh bị thương và mất một cánh tay không? Mạ đâu biết khi nghe anh bị thương lòng tôi chấn động mạnh và không khỏi bồi hồi nhớ lại bàn tay anh thoăn thoắt điệu nghệ trên phím đàn guitar trong những buổi văn nghệ của trường. Tôi nói: “Dạ biết!” Mạ cũng hối tiếc cho cuộc tình của anh và tôi không thành và thường nhắc đến chuyện xưa của chúng tôi. Mạ nói trước khi anh đi, anh có từ giã mạ và anh nhắn tôi đã hiểu lầm anh. Vì tự ái của tuổi trẻ tôi đã để mất cuộc tình thứ nhất và cũng là cuộc tình cuối trong đời.

Tôi vẫn chăm chú nhìn gương mặt anh trong tấm ảnh phai màu để tìm lại dư hương ngày tháng cũ. Tôi thì thầm như kể chuyện với anh. Anh có nhớ con Bân không? Nghe nói nó bị tiểu đường không chạy đủ thuốc thang rồi vì mê ăn đường không bỏ được nên nó đã chết. Con Nhược Hà, có gương mặt thật hiền lành, cũng người Huế, có người chú là thầy dạy địa lý của lớp tôi, không biết có phải chú thật hay chú bá láp mà sau đó thì nghe chú phải lòng cháu... Nhưng mặc kệ chuyện thị phi, tụi tôi nhóm 4 đứa con gái, Nhược Hà là một trong tứ quý (có đứa nói tứ quý là cho con trai, còn con gái là tứ quỷ vì phá quá trời, ăn hàng cũng quá trời). Thuận bằng tuổi tụi tôi nhưng có vẻ chững chạc hơn tất cả, Thuận theo ghe vượt biên và đã bỏ mình trên biển cả. Nhược Hải nghe nói sau này ưng ông chú (hờ) và đã có tới 5 con! Con nhỏ có cái đầu và cái mặt nhỏ xíu, lưng nhỏ, mông nở đúng là tướng vượng phu ích tử như có lần ông thầy tướng số đóan cho chúng tôi trong một bữa nghỉ học.

Tôi ấp lá thư lên ngực. Nhận được thư anh tôi mừng rớt nước mắt. Tôi bắt đầu đọc tiếp lá thư thật chậm, như đứa bé mới học vỡ lòng, đánh vần từng chữ và uống từng giòng... Trong thư anh không nhắc lại quãng đời anh bị tù tội, nhưng tôi được biết anh bị tù hết 5 năm, mặc dù chỉ với một cánh tay và anh đã giải ngũ khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam. Tôi không biết lý do tại sao anh không xin đi Mỹ theo chương trình HO và cũng không hiểu anh đã sinh sống như thế nào từ cuộc thay đổi bể dâu ấy. Mặc dù anh và tôi đã thỏa thuận đừng tìm đến nhau làm gì nữa, lở dở hết rồi, nhìn cánh tay đã cụt tới vai tôi đoán lý do anh không muốn gặp lại tôi. Tôi ráng nhìn đôi mắt trong tấm ảnh để tìm lại ánh nhìn sâu thẳm của năm nào, nhưng tôi chỉ thấy lờ mờ một đôi mắt không còn tinh anh sau những năm tù tội và những tháng năm vật lộn với cuộc sống không tương lai. Anh bận chiếc quần nhà binh còn chiếc áo màu gì tôi không đoán nổi.

Tôi lại cố tìm những ẩn ngữ của lá thư, anh viết:

“Đất nước có nhiều đổi thay nên cuộc sống của mọi người, trong đó có anh, cũng có nhiều thay đổi. Anh đã sống từ Sài Gòn, cho đến Nha Trang, Pleiku, Tuy Hòa, Đà Nẵng, mỗi nơi anh và một vài người bạn nâng đỡ lẫn nhau, mưa nắng có nhau và bên anh còn có cây đờn guitar nữa, cây đờn này do một người bạn đã tặng anh trước khi anh từ giã cõi đời nên anh quý lắm, đi đâu anh cũng mang theo...”

Tôi chợt thương nhớ làm sao hình ảnh anh ôm đàn ngồi giữa đám bạn bè nơi trường xưa, lớp cũ với những bài slow rock. Tôi ngậm ngùi đọc tiếp thư anh:

“...Sau đó anh lại trở về Sài Gòn, và bây giờ anh lại về Tuy Hòa, nhưng em đừng lo, khi xưa thì cũng rày đây mai đó nên cũng không có gì đáng quan tâm. Anh chỉ thương những người bạn đồng cảnh ngộ mà lá thư trước anh không nhắc sợ em bận lòng, anh dầu sao cũng còn một cánh tay lành lặn, còn bạn anh, thằng Hùng học cùng lớp và rồi học cùng khóa KQ, em nhớ Hùng không? Hắn có cái trán dô, trong lớp gọi là Hùng Dô đó, nó không còn cả tay, lẫn đôi chân, nhưng nó vẫn dũng cảm mà sống, vợ nó đã bỏ nó lâu rồi, con nó cũng không thèm nhìn nó. Còn những người khác chắc em không biết đâu, có người mù mắt, có kẻ liệt cả phần thân thể... À, em còn nhớ thầy Ngọc không? Ổng bây giờ làm nghề giác hơi, thỉnh thỏang ông giác lưng cho anh không tính tiền, em có thể tưởng tượng được không?...”

Không, tôi không thể tưởng tượng và hình dung được thầy Ngọc với gương mặt chữ điền đẹp trai cao ngạo bây giờ làm nghề giác hơi.

Tôi cảm thấy hồi hộp, sợ tìm ra một vài tên tuổi quen thuộc đang sống trong cuộc đổi đời vĩ đại này. Anh viết tiếp:

“Anh xin lỗi đã mang những chuyện không vui kể cho em nghe. Anh và các bạn tuy lam lũ nhưng thương nhau như anh em ruột thịt, em đừng lo. Vài giòng anh lại viết: “em đừng lo”...

Tôi hình dung ra nụ cười nửa miệng quyến rũ của anh khi nói câu này, anh sợ tôi thương hại anh và như vậy, sẽ động chạm lòng tự ái của anh. Tôi lau nước mắt đọc tiếp:

"Kể cho em chuyện này để cho em biết một vài sự thật nếu em có nghe ai sang bên đó kể lại “đất nước đã có nhiều thay đổi để em hình dung thay đổi như thế nào đó mà, dầu sự chuyển đạt tư tưởng của anh có phần vụng về, nhưng anh chắc em hiểu, anh, bạn anh, bạn em, cả nước cũng đang đổi thay em ạ vì anh và các bạn bây giờ có tên mới là Thương Phế Binh!”

Tôi thẫn thờ buông rơi lá thơ xuống đất vì thương anh, thương cho bạn anh, thương cho đất nước của chúng ta!

Buổi chiều đã trở về, mùa hè lại trở về, nắng nhảy múa ngòai sân, tôi lau nước mắt cúi xuống nhặt lá thư lên, tay tôi vô tình làm cả xấp giấy tờ và thư lẫn lộn ở góc bàn vương vãi rớt xuống. Khi cúi xuống lượm những giấy tờ lên, tôi nhận ra một lá thư khác cũng gởi từ Việt Nam của một thương phế binh, nhờ chuyển lại cho hội cựu quân nhân để xin cứu trợ, mà tôi chưa kịp giao lại cho người phụ trách, tôi đoán người trong thơ đã theo địa chỉ của những người bảo trợ hồ sơ trước đây của các hội đoàn tổ chức, mà tôi cũng đã bảo trợ vài lần.

Tôi kéo tấm hình của người viết thư ra nhìn, anh bị cụt cả hai chân, ngồi trên chiếc ghế, hai cái chân cụt lòng thong. Gương mặt người thương phế binh nhăn nhúm, một bàn tay cong queo, tàn tật. Tôi ngậm ngùi thương cho kẻ đã hy sinh suốt cuộc đời trai trẻ của mình, nay thành kẻ tàn phế phải viết thư xin những người bạn đồng ngũ đã một thời cùng chung chiến tuyến một ít tình thương. Tội quá người chiến binh Việt Nam! Thành phần nầy vẫn còn hàng hà sa số, họ là những người kém may mắn không đến được bến bờ tự do, đang sống một cuộc đời lây lất khổ sở, phải đi ăn xin, hoặc kiếm sống qua ngày bằng những việc như bán vé số, bơm ruột xe đạp, vá bánh xe v.v... với một con mắt, một cái chân và trời ơi... chỉ một cánh tay như anh!

Tôi chợt hoảng hốt, anh đã sống ra sao? Chắc anh cũng cùng cảnh ngộ? Tôi quay quắt tự trách mình chỉ biết nhớ thương mà không tìm ra sự thật. Anh không hề có một giòng chữ xin xỏ nào trong thư, nhất là cái thư trước anh không hề đá động tới cuộc sống hiện tại, nhưng đáng lẽ tôi phải đoán ra, anh cũng là một “Thương Phế Binh” sống rày đây mai đó, vất vả lang thang nên thư tôi gởi đã không tới được anh! Anh đã sống ra sao? Có ai giúp đỡ cho anh trong cuộc đời còn lại? Tôi bàng hoàng, chắc vì tự ái anh không bao giờ cho tôi biết cuộc sống của anh? Tôi đứng lên, lòng nhất định chuyến này tôi phải hồi âm, dầu anh có muốn hay không. Tôi sẽ cầu nguyện thư tôi gửi sẽ tới tay anh và tôi sẽ làm một điều gì đó để giúp anh, giúp bạn anh dầu có muộn nhưng hy vọng vẫn còn kịp vớt vát phần nào lỗi lầm của tôi đối với anh , đối với những người bạn anh.

Kể từ tháng Tư thật đen, một màu đen bao la bao trùm cả đất nước Việt Nam, năm 75, và màu đen ấy vẫn còn bám theo những người lính khốn khổ thất trận miền Nam. Còn tôi, trôi nổi quê người, không bà con ruột thịt nhưng cũng như nhiều đồng hương khác, sẽ cố làm sao đem một ít ánh sáng gởi về những miền tăm tối nhất, nơi đó có anh, có người tôi thương: Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa.


Nguồn

Thursday 24 February 2011

Thư tình tuổi 90



Anh ngồi bấu tay vào thành giường nhìn ra ngoài trời. Hình như mưa. Mắt anh mấy ngày nay thấy nắng loà nhoà lại tưởng mưa, thấy mưa thì nhìn như đang nắng xuống. Thằng chắt nội nói, mắt cụ nhìn không rõ nữa, cụ đi đâu để cháu dắt. Nó nói thật em nhỉ, nhưng mình cần gì nó dắt, ví thử có em đến ngoài ngõ kia, anh chẳng nhìn thấy rõ mồn một.

Anh vẫn khoẻ. Mỗi ngày các cháu nó cho ăn năm bữa, mỗi bữa một bát cháo đã nát nhừ. Anh chỉ dám viết thư cho em mà không dám gọi điện vì tiếng của anh nói em chỉ có thể nghe như tiếng rừng phi lao xào xạc.

Sáng nào anh cũng đi thể dục, đi từ mép giường ra tới bậc cửa sổ, vị chi là bốn bước. Bốn bước mà đi mất hai giờ, mồ hôi đổ vã ra, sảng khoái ghê!

Nay con cháu đông rồi, anh không phải đánh máy như ngày xửa ngày xưa nữa, các cháu giúp ông. Nhưng khi viết thư cho em, anh phải tự đánh máy lấy. Thư này anh viết từ mùa hè, giữa hè, đến đúng mùa đông thì xong, mỗi ngày anh viết quần quật được hai dòng. Ngày nào viết đến ba dòng thì phải truyền một lọ đạm.

Nhớ cách đây chừng 50 năm em nhỉ, chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: Thích quá cơ. Còn anh thì chạy theo sau nhìn em, thấy đôi chân em trắng loáng trong ánh chiều hoàng hôn ở bãi biển mà nhớ mãi. Giờ vẫn nhớ đấy. Hôm rồi, nhớ em quá bảo đứa cháu nó đưa ra biển. Đinh nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói, thích quá cơ, nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió biển thổi.

Nhận được tin em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa năm thìa cháo bột mà mừng quá. Ăn năm thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khoẻ thế này mà chỉ ăn bốn thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xửa ngày xưa vẫn thích ăn cơm nguội với nước cá kho. Vừa rồi, tự dưng thèm cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi mà miệng anh như ăn phải đá hộc, đau tê tái.

Anh nhắc nhé, nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo ông ơi, ra sân hóng mát, gió nồm mát lắm ông ạ. Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió nồm suýt thổi anh bay lên nóc nhà, may có hai thằng cháu giữ chặt.

Sắp tới ngày sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xào tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng thùm thùm tức là anh đang chúc em sinh nhật vui vẻ. Đến khi nghe tiếng phù phù nhiều lần là anh đang hôn em.

Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình, hình như tay ai, nhìn rất tội. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê bé tý lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi.

Em ngủ ngon không?

Anh chợp mắt từ chập tối. đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói ông ngủ ít quá. Anh bảo, thì đến khi ông ra đi, xuống đất, ông ngủ cả ngày lo gì.

Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính, xem lại mấy bài viết trên blog hồi ấy, thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà blogger cũng không còn mấy ai nữa, lâu chẳng thấy ai vào blog nữa. Lũ cháu hỏi, ông ơi, blog là gì. Chúng nó bây giờ chẳng có blog. Ngồi bô đi ị mà vẫn có màn hình máy tính ở miệng bô, thích thật. Thời buổi giờ hiện đại quá, mình chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển từ xa, điều khiển cả rôbốt. Anh ngồi, rôbốt nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ rôbốt làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng tiếng anh phì phèo quá nên máy chữ nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết, em ơi, anh nhớ em lắm nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành: Phem phơi, phanh phớ phem phắm. Thế mới bực!

Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em thế nghe ngọt ngào. Hai ngày nữa anh tròn 90 tuổi. Anh đợi thư em.

Mà nếu không gửi được thư thì bảo rôbốt nó mang thư đến cho anh em nhé.

Anh dừng bút.

Thằng chắt nội đang mang chén cháo bột đến để cho anh ăn.

Chúc em ngủ ngon nhé. Nhớ đừng ra gió.


Nguồn

Sunday 20 February 2011

Những cánh thư gửi trẻ em vùng lũ


Mình chưa bao giờ bị lũ cả. Sài Gòn khi nào nhiều mưa cũng có ngập nhưng không lên tới mái nhà như mấy bạn đâu. Ba mẹ mình nói lũ sẽ cuốn trôi nhiều thứ, có cả trẻ em và người lớn nữa. Ba nói nhiều bạn có thể mất ba, mất mẹ khi lũ đi qua. Mấy bạn đừng để bị lũ cuốn nha!”.

Đó là những dòng thư của bé Lâm Hồng Nhung (lớp 5/1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) viết cho các bạn nhỏ vùng lũ miền Trung. Cô bé chưa một lần chứng kiến cảnh lũ nhưng đã khóc ròng khi xem tivi về bão lũ miền Trung và được bố đệm thêm một câu: “Ngày trước bố mẹ cũng từng như thế!”. Tối ấy, bé Nhung đã thức và viết một bức thư dài gửi các bạn nhỏ miền Trung.

Cả tuần nay, hộp thư “Thay lời muốn nói” (nơi các bạn nhỏ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng) của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy ắp những lá thư như thế. Nhiều em đã thức khuya nắn nót từng con chữ để viết thư an ủi, động viên các bạn nhỏ miền Trung vừa trải qua cơn lũ dữ.

“Lũ lụt như vậy các bạn có đói không? Ngoài miền Trung mưa lớn chắc mấy bạn lạnh lắm. Nhà mấy bạn có bị lũ cuốn trôi không? Sách vở mấy bạn chắc bị ướt hết rồi. Các bạn có khóc vì sợ không? Còn mình thì khóc thật nhiều khi thấy cảnh mấy bạn ngồi trên nóc nhà ăn mì tôm sống...”. Đó là những dòng thư mà em Vũ Anh Nhi (lớp 4/1) đã viết. Bức thư viết trên giấy học trò, ngoài nét chữ mềm mại còn được điểm xuyết thêm hình vẽ ông mặt trời, cầu vồng bảy sắc.

Bé Nhi nói: “Con xem mấy bạn bị lũ trên tivi cùng ba mẹ. Con và mẹ đều khóc khi thấy cảnh mấy bạn ôm con chó ngồi trên nóc nhà. Xung quanh toàn nước là nước. Tối đó, con đã viết thư gửi mấy bạn nhỏ Hà Tĩnh. Con vẽ thêm cầu vồng và ông mặt trời để ông mặt trời không mưa nữa, nhà mấy bạn không bị lụt nữa. Các bạn sẽ được đến trường như con”. Nhi không chỉ viết thư mà còn nhịn quà sáng liên tục một tuần để lấy tiền quyên góp cho các bạn nhỏ miền Trung.

Còn lá thư của bé Trương Thế Tiến (lớp 5/6) được viền xung quanh bằng hình vẽ các gói mì. Thư của bé Tiến được viết bằng nét mực tím nghiêng nghiêng: “Ra đường, mọi người nói với nhau và thương các bạn nhỏ miền Trung lắm. Còn ở trường, tụi mình ai cũng muốn quyên góp cho miền Trung. Mình đã gửi con heo đất yêu quý nuôi từ nhiều năm để ủng hộ các bạn, cả sách vở và bút chì nữa. Các bạn hãy cố lên nhé vì nhiều người nghĩ đến các bạn lắm...”


Nguồn

Friday 18 February 2011

Chuyện những cánh thư chở nặng ân tình thời chiến


Trong căn nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế, tuy đã gần 80 nhưng bà Thư mắt vẫn còn sáng lắm. Bằng giọng trầm ấm, bà bồi hồi kể về chuyện tình đã viết lên sách với người bạn, người chồng mà bà vô cùng yêu quý - cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nên duyên nhờ những cánh thư

Sinh ra trong một gia đình viên chức ở Thị xã Móng Cái, đến khi xảy ra chiến sự gia đình bà tản cư đến tận Thanh Hóa… Lớn lên, tốt nghiệp lớp trung cấp nữ hộ sinh xong bà về công tác tại y tế Hà Đông (thuộc Hà Nội ngày nay).

Cho đến tháng 10/1953 trở về sau đánh dấu quãng đời với những kí ức đẹp không thể quên về chuyện tình thời chiến của bà. Ngày đó là thời gian đầu thoát ly gia đình, đang mải mê sống và học tập trong một tập thể lớn thì bất ngờ cô nữ hộ sinh nhận được hai lá thư, một của bố mẹ gửi từ Thanh Hóa ra, một của người con trai chưa hề quen biết. Và, từ đó bắt đầu một chuyện tình đầy cảm động.

Những lá thư đều đặn từ người con trai có tên Lê Ngọc Hiền, sau này là chồng, là bạn đời đến giờ bà vẫn còn lưu giữ. Cầm trên tay những lá thư đã ố vàng nhuộm màu thời gian, bà thư nhớ lại: “Ngày ấy, vợ chồng chúng tôi đến được với nhau là nhờ những lá thư này.

Lá thư đầu tiên anh viết vì không muốn làm tôi bất ngờ, lúng túng khi hai người gặp nhau. Anh nói anh là bạn của anh Xuân người yêu Tố, bạn tôi. Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi có ưng không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư để tôi tìm hiểu anh trước".

Không lâu sau đám cưới hai người bạn Xuân-Tố được tổ chức, bà Thư và ông Hiền được anh em bộ đội sắp xếp cho gặp mặt. Từ đây, mối tình của họ mới thực sự đơm hoa.

Và cứ thế những cánh thư vượt bao làn khói đạn giữa miền Trung-Bắc đã nối liền khoảng cách tâm hồn anh bộ đội Ngọc Hiền và cô nữ hộ sinh Ngọc Thư. Để rồi cuối cùng ngày vui của ông Hiền, bà Thư cũng đến như một kết thúc có hậu thời loạn lạc.

Trước sự chứng kiến của đồng đội, sự tác hợp của đơn vị chiến đấu, một đám cưới giản dị đã diễn ra. Cô dâu vẫn quần đen, áo nâu, chít khăn mỏ quạ như ngày thường. “Nhớ lại đám cưới của mình mà thấy buồn cười. Nhiều người cứ  nhìn cô dâu, chú rể mãi mà không biết ở đâu. Nhưng thời chiến, thế là vui lắm rồi,” bà Thư xúc động nói.

"Anh và Thư "- Tình yêu và cuộc đời

Xuyên qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, không chỉ có tình yêu bị thử thách bởi bom đạn, thời gian  mà những cánh thư mỏng mảnh từ chiến trường bay trở về với người thân nơi hậu phương cũng  phải xuyên qua làn bom đạn, phải trải qua biết bao khó khăn, cách trở. Có những lá thư nhuốm máu…

Những lá thư không chỉ trở nặng ân tình, thương nhớ, nó còn là tin báo để người hậu phương biết chồng, cha, anh, em, con mình vẫn còn sống, vẫn đang chiến đấu vì đất nước, vì hòa bình. Những lá thư chứa đựng một phần đời mỗi con người trong đó.

Chính vì vậy, hàng ngàn lá thư của đôi vợ chồng Lương Ngọc Thư-Lê Ngọc Hiền  đã trở thành những vật chứng hùng hồn về tình yêu, về lòng chung thủy, sự kiên định, dũng cảm của người lính ra đi vì sự nghiệp non sông, sự sắt son  và năm tháng của người vợ nơi hậu phương, giỏi việc nước, đảm việc nhà...để rồi sau này chúng được tập hợp và in thành tập sách "Anh và Thư."

Mỗi lần chạm vào quá khứ bà Thư lại đẫm lệ hồi tưởng những kỷ niệm dường như “chỉ mới như ngày hôm qua mà thôi,'' bà say sưa kể: Sau ngày cưới, anh bộ đội Lê Ngọc Hiền trở về đơn vị để cô dâu trẻ lại làm việc nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường của người thân nơi hậu phương, những cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…

Đối với bà Thư, cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền như một người anh, người thầy về cuộc sống, về lý tưởng cách mạng.

Trong một bức thư gửi vợ, trước khi phải đi chiến trường xa, ông Hiền viết: “Anh lại đi xa một thời gian, đi xa để làm nhiệm vụ mà Đảng giao cho, là vinh dự cho anh và cũng là vinh dự cho cả hai vợ chồng ta. Em đừng buồn nhé. Cuộc tình duyên của chúng ta đã trải qua bao nhiêu đấu tranh khó khăn, em cũng vẫn vững trí kiên trì mà vượt qua được để xứng đáng với nhau…”.

Trong “kho” thư ấy, lá thư khiến bà vui nhất chính là bức được viết sau ngày đất nước giải phóng. Bởi theo bà, sau giải phóng nhiều người trở về, mà ông Hiền không thấy tin gì, khi nhận được thư bà mới biết chồng vẫn sống. Bà Thư bồi hồi đưa cho chúng tôi bức thư được viết ngày 15/5/1975.

“Thư yêu quý!… Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào? Và những cảm tưởng trong người mình là cái gì?...”.

Hàng ngàn bức thư của hai ông bà Hiền-Thư đó chính là những kỷ vật quý giá ghi dấu ấn về một thời chiến ác liệt nhưng cũng vô cùng tình nghĩa sắt son. “Tôi cũng thường đưa những lá thư của mình ra khuyên dạy, nhắc nhở các con để chúng biết mà sống chung thuỷ.

Ngoài những lá thư in thành sách tôi đã gửi hàng trăm lá thư cho bảo tàng Quân sự Việt Nam, với mong muốn để mọi người biết rằng, thời xưa dù khó khăn, vất vả đến mấy, chuyện tình của họ vẫn bền bỉ, thủy chung,” bà Thư vừa ngước nhìn lên di ảnh chồng vừa nói./.


Nguồn

Tuesday 15 February 2011

Những cánh thư đi


Dũng và Hoa quen nhau bởi một lá thư lạc địa chỉ. Hoa không thích viết thư và cũng chẳng bao giờ nhận được thư. Nhưng chẳng hiểu sao hôm đó cô lại nhận được một lá thư với những nét chữ lạ hoắc. Rõ ràng địa chỉ này không có ai tên như thế và Hoa đã gửi trả lại chủ nhân với những lời giải thích ngắn gọn.

Tháng sau cô lại nhận được thư - vẫn nét chữ lạ đó nhưng lần này thì gửi đích danh cho cô. Và thế là hai người trở thành bạn qua những cánh thư.

Sở dĩ Hoa mới chỉ xem đây là tình bạn - mặc dù đã rất nhiều lần Dũng dợm bước chân sang ranh giới tình yêu, là vì cô chưa tin lắm vào những cảm xúc mình có được trong khoảng thời gian một năm, nhất lại là chuyện tình cảm qua những cánh thư. Hoa không phải là người rụt rè hay nhút nhát, nhưng cô cũng không thích những chuyện quá phiêu lưu – mà yêu người qua thư với cô còn là chuyện rất lạ. Điều khiến Hoa lo lắng chính là cô sợ, biết đâu khi đọc thư Dũng lại chẳng tưởng tượng ra cô là cô gái đẹp, duyên dáng. Nếu như thế thật thì chắc chắn khi gặp Hoa, hẳn anh sẽ rất thất vọng.

Mỗi lần nhận được thư của Hoa là Dũng cảm thấy cả ngày hôm đó anh sẽ gặp may mắn. Có bận trèo lên xe buýt Dũng mới phát hiện ra trong túi mình chẳng còn một xu. Đang lo lắng toát mồ hôi thì lại gặp người bạn học cùng lớp. Thế là Dũng cho đó là sự may mắn bởi hôm nay anh nhận được thư của Hoa. Thỉnh thoảng vẫn có những chuyện ngẫu nhiên như thế khiến cho Dũng càng vững tin hơn rằng chính những lá thư Hoa gửi từ nơi phương xa mang lại may mắn cho anh. Quen Hoa một năm, mỗi tháng anh gửi đi đều đặn ba lá thư và nhận được hai lá thư.

Thỉnh thoảng, tỷ mẩn Dũng ngồi bày những lá thư ra và nhẩn nha đọc lại từng lá một. Mỗi lần đọc lại là một lần anh lại tìm được những cảm xúc mới. Dù chẳng phải là người lãng mạn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Dũng luôn cảm thấy giữa anh và Hoa - người bạn qua thư, có mối liên kết thật đặc biệt.

Và, cho dù người ở rất xa nhau thì cũng có lúc cần phải gặp nhau. Đó là điều khiến Hoa suy nghĩ cả tuần nay. Dù cố gắng chỉ coi đó như một tình bạn đẹp, không nên hy vọng nhiều nhưng cô vẫn không muốn khiến cho Dũng thất vọng. Biết đâu, nếu chỉ là bạn qua thư thì mối quan hệ của họ còn duy trì được lâu dài, lỡ gặp rồi… Hoa cứ suy nghĩ miên man, đã rất nhiều lần cô trì hoãn cuộc gặp mặt này. Nhưng bây giờ, những lý do cô đưa ra đã không còn thuyết phục được Dũng nữa, anh hẹn sẽ đến thăm Hoa vào dịp sinh nhật cô tròn 21 tuổi. Hoa không biết Dũng sẽ nhận ra cô bằng cách nào. Đôi khi cô cũng tự hỏi vì sao Dũng chưa bao giờ yêu cầu cô gửi hình cho anh. Ngay cả bản thân cô, cũng chưa bao giờ thử tưởng tượng về người bạn qua thư của mình. Có lẽ Hoa không muốn những hình dung của mình phá hỏng những ấn tượng có thể có với Dũng. Hoa mong, Dũng cũng sẽ như thế.

Chưa khi nào Dũng nghĩ mình cần một tấm hình của Hoa, bởi anh muốn tất cả những cảm xúc anh có với cô bạn gái sẽ là cảm xúc chân thành, không phụ thuộc yếu tố bên ngoài. Dũng chẳng biết nên tặng gì cho Hoa vào ngày gặp gỡ. Anh sợ những bông hoa hồng có thể khiến cô gái hoảng sợ, còn nếu chỉ là một cành lan hay một loại gì đó thì anh lại thấy chúng không đủ thể hiện tình cảm của anh. Nhiều khi đi qua một hàng hoa bất kỳ, anh cứ lơ mơ nghĩ tới những giây phút đứng trước người con gái trong giấc mơ của mình, trao cho cô những bông hoa đẹp nhất do chính tay anh chọn, Dũng thấy hồi hộp lạ. Dù chưa từng biết hình dáng thật của Hoa, nhưng anh tin mình đủ nhạy cảm để nhận ra Hoa giữa những người xa lạ….

Một buổi sáng mùa thu, có chàng trai với 21 bông hồng trên tay thấp thỏm đợi chờ. Bên kia đường, có cô gái với đôi mắt trong veo nhìn sang ngập ngừng. Dù chưa nhìn thấy nhau, nhưng cô gái tin, chàng trai sẽ nhận ra cô giữa dòng người xuôi ngược. Cô tin là như thế bởi cô cũng đã nhận ra anh giữa rất nhiều người xa lạ mà cô từng lướt qua trong đời.


Nguồn

Saturday 12 February 2011

Chuyện những cánh thư


Dăm mươi năm về trước, cái thời mà con người không thể nhìn mặt nhau, không thể nhìn nghe thấy giọng của nhau thông qua một cái màn hình.

Chị tôi xa nhà đi học. Trước ngày đi cả tháng, cả mẹ và ba đều thay phiên nhau dặn dò chị rất nhiều. Họ quyến luyến, không muốn phải xa đứa con gái thân yêu của mình. Mà đó chỉ là suy nghĩ nhất thời, vì suy cho cùng, họ muốn con mình được bay cao, bay xa với những ước mơ lớn lao. Nên dù có buồn, có không muốn thì ba mẹ vẫn phải để chị đi.

Ngày chị đi, ba mẹ dặn dò mỗi tháng phải viết thư về một lần, chị tôi vốn nghe lời. Vậy là cứ đều đặn mỗi tháng, chị viết thư về cho mẹ.

Cứ như vậy, vào cuối tháng là ba mẹ tôi lại ngóng ngóng trông trông một lá thư tay. Nhiều khi lá thư chỉ là dăm bà dòng chữ nguệch ngoạch như những dòng thông báo ngắn gọn. Vậy mà ba mẹ vẫn chờ, vẫn nâng niu từng cánh thư một!

Bốn năm, chị học xong. Đáng lẽ bố mẹ nên vui mừng vì sắp được gặp con gái. Nghĩ là vậy, nhưng cuối cùng họ buồn hiu hắt, họ lại tiếp tục đợi chờ những cánh thư… Chị tôi quyết định ở lại thành phố lập nghiệp.


Vậy là cứ đều đặn mỗi tháng, chị viết thư về cho mẹ..

Rồi những cách thư thưa thớt dần, bố mẹ vẫn không buồn. Dù ít thư, nhưng bố mẹ giữ thái độ khi xưa, chờ đợi và trân trọng. Chỉ có một ngày, tôi thấy mẹ lạ, mẹ cầm thư mà rưng rưng nước mắt. Tôi định đọc xem thư viết gì, nhưng nước mắt của mẹ đã làm những con chữ nhạt nhòe… Chị tôi lại quyết định. Chị báo sẽ lấy chồng thành phố.

Người ta thường nói “con gái là con người ta”, bố mẹ tôi có lẽ cũng biết và chấp nhận điều đó. Lâu thật lâu tôi không còn thấy bố hoặc mẹ chờ đợi những cánh thư nữa.

Đến lượt tôi xa nhà đi học. Vẫn như ngày xưa, bố mẹ quyến luyến nhưng cũng đành buông tay. Mẹ dặn tôi viết thư. Ôi trời! Tôi bĩu môi, thời đại này ai mà còn viết thư nữa. Có gì người ta cứ gọi điện thoại hay dùng Internet chat chit với nhau là được. Nói vậy chứ ba mẹ tôi nào có biết máy tính là gì, kể gì đến dùng Internet.

Vậy là ông bà lại chờ bốn năm. Không một cánh thư, chỉ thỉnh thoảng có những cú điện thoại bất chợt và kết thúc trong thanh âm vội vã của thành phố. Tôi tự nhủ bốn năm sau mình sẽ về sống cùng bố mẹ, có gì đâu. Chỉ bốn năm…

Tôi học xong, bị sự náo nhiệt của thành phố cuốn đi. Tôi lại ở thành phố lập nghiệp. Bố mẹ biết tin, không thể nói gì…

Nhiều năm nữa nối tiếp nhau, lời hứa ngày xưa tôi hứa rằng mình sẽ về sống vối bố mẹ vẫn bị khất lại. Cho đến một ngày, khi tôi thực hiện lời hứa thì cũng là lúc bố mẹ cùng nhau về trời.

Tôi ngồi đọc lại những cánh thư ngày xưa mà bố mẹ nâng niu. Những cánh thư nhạt nhòa vì nước mắt...


Nguồn

Monday 31 January 2011

Thư tình gởi đến anh!


Giờ này anh đang làm gì hả anh? Đang vui với mái ấm gia đình hay làm gì nhỉ? Còn em, em đang ngồi để nhớ anh. Nhớ lại những phút giây hạnh phúc êm đềm, những ngày em có anh. Nhưng giờ đây mọi thứ đã xa rồi anh nhỉ? Mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm mà thôi…


Chiều nay bước chân em lại vô tình đi qua nơi ấy, nơi ghi lại dấu chân của chúng ta những lần ngồi bên nhau trong góc nhỏ của quán cafe. Nhưng giờ đây chỗ ngồi kia không phải là anh cũng không phải em mà là một đôi tình nhân nào đấy anh ạ, tất cả khiến em vỡ òa. Những giọt nước mắt lăn dài rồi thấm ngược vào trong. Ôi kỷ niệm còn đây mà sao anh đã xa em rồi…

Em nhớ anh nhớ đến cồn cào, đôi khi em chỉ muốn gào muốn thét lên thật lớn giữa đất trời bao la rằng anh ơi em nhớ anh vô cùng. Hay chỉ là việc cầm điện thoại lên và gọi cho anh nhưng bấy nhiêu thôi cũng là điều không thể với em rồi. Nhưng sao chứ anh? Anh không còn muốn gặp em vì sợ chị ấy làm em đau, hay anh sợ gia đình mình tan vỡ?… Hàng nghìn câu hỏi trong đầu cứ vây lấy em không lời giải đáp. Trong khi hai chúng mình sống có xa xôi gì nhau đâu anh nhỉ, nếu muốn chỉ 5 phút thôi anh có thể gặp em rồi, nhưng chưa bao giờ anh gọi cho em, chưa bao giờ hẹn gặp em, kể từ ngày ấy – ngày chị biết được quan hệ của anh và em. Em nhớ anh, nhớ không chịu nổi anh à. Làm sao đây hả anh? Nỗi nhớ anh không tài nào vơi được trong em, nhất là mỗi khi nghe ai nhắc tên anh, khi vô tình chạm vào kỷ niệm. Yêu thương ơi sao mong manh quá đỗi để duy nhất một điều nói yêu anh thôi cũng không thể nữa rồi.

Đã bao lần em tự hỏi lòng mình khi ở bên anh, sao anh lại yêu em? Câu hỏi mà cả anh và em đều không thể trả lời, chỉ biết lặng yên bên nhau nghe trái tim mình lỗi nhịp. Nhưng sao những phút giây bên anh bình yên đến vậy để giờ đây trái tim em không lúc nào yên vì nỗi nhớ anh cứ cồn cào đay nghiến. Anh đã từng hứa gì với em nhỉ? Anh từng nói với em rằng: Hãy để anh lo cho em như con gái của mình, lặng yên đi bên em, dõi theo em từ phía xa, anh muốn em đi học để có một công việc tốt hơn, anh muốn nhìn thấy em cười thay vì những giọt nước mắt cứ vỡ òa vì đau khổ. Thế mà giờ đây đến một lời động viên khích lệ cho em cũng không còn nữa, chỉ còn lại là sự lặng im đến tột cùng khiến em muốn nghẹt thở. Em phải làm sao đây anh? Phải làm sao với nỗi nhớ của mình? Hãy cho em câu trả lời anh nhé!

Nếu có phút giây nào đó nhớ đến em xin anh hãy gọi cho em nhé…

Dù hàng ngày không còn được gặp anh, không còn được thấy anh cười, được nghe anh nói, hay chỉ giản đơn là sáng mai ra được nhận dòng tin nhắn của anh chúc em ngày mới tốt lành, chứ không dám mơ gì những bữa trưa được anh lo cho từng ổ bánh mỳ… Tất cả chỉ là xa vời đúng không anh? Bởi anh không thuộc về em, không bao giờ cả. Vì thế giờ đây tất cả chỉ là mơ mà thôi. Biết vậy nhưng em vẫn mơ, những giấc mơ dài để vỗ yên trái tim đang vỡ vụn vì nhớ anh.

Nếu có phút giây nào đó nhớ đến em xin anh hãy gọi cho em nhé. Còn em, em không dám gọi cho anh đâu, vì nếu gọi em lại vi phạm lời hứa với chị ấy. Em sẽ không làm những điều anh không thích nữa anh nhé. Em sẽ ngoan không bướng bỉnh cứng đầu, không lý sự nhiều làm anh khó chịu. Và em cũng sẽ cố gắng học, em sẽ không làm anh thất vọng hay cảm thấy xấu hổ với những người anh đã phải mở lời gửi gắm em.

Thôi em đi học đây anh ạ. Em sợ lắm con đường ấy, con đường đi học lại qua lối cũ mình ngồi, sao kỷ niệm cứ vây quanh em dù em đang cố gắng rất nhiều để có thể quên anh chứ. Em sẽ rất nhớ anh, nhớ thật nhiều… Vì em yêu anh rất nhiều.


xinhaytinem_halinh@yahoo.com