Wednesday 2 March 2011

Những Cánh Thư Không Hồi Âm


Tôi lại nhận được thư anh, cũng trong khi mùa xuân đang bước đi và nhường cho mùa hè đang trở lại.


Lá thư này cũng vẫn là bì thư có lằn xanh đỏ từ chốn gọi là “Thiên đường Cộng Sản” nhưng địa chỉ không còn ở Sài Gòn, mà là một tỉnh lẻ, anh đã về lại Tuy Hòa, nơi anh và tôi đã sống qua thời kỳ niên thiếu. Lá thư đầu tiên anh viết cho tôi, nay đã 5 năm, từ đó anh không còn gửi một cái thư nào cả, và cũng để tôn trọng lời yêu cầu của anh, tôi không hồi âm, cũng không tìm cách liên lạc vì anh nói trong thơ, nếu tôi hồi âm anh sẽ không bao giờ viết nữa. Anh cho rằng như vậy tôi và anh sẽ còn giữ cho nhau những gì quý nhất, đẹp nhất. Tôi hứa với lòng sẽ làm theo lời anh, chỉ mong nhận thư anh, sẽ không trả lời nhưng cuối cùng, trong một phút không cầm lòng được, tôi đã không giữ lời hứa, tôi có viết cho anh một lá thơ và lá thơ đó một đi không bao giờ trở lại. Từ đó tới nay đã 5 năm trôi qua và trong thời gian dài đăng đẵng này, ban ngày vì bận rộn, không có thì giờ suy nghĩ, nhưng khi đêm đến trong những cơn ngủ chập chờn, tôi đã mơ thấy anh và hôm sau, tôi lục lọi thùng thơ, hy vọng một lá thơ mình đợi mong, sẽ bất ngờ nằm trong đó.

Nhìn nét chữ quen thuộc lả lướt của anh, tôi không khỏi cảm động và pha một chút thán phục. Anh đã mất đi một cánh tay trong trận chiến ác liệt với Việt Cộng nhưng nét chữ bay bướm của anh vẫn còn đó, ngạo nghễ, tự hào.

Đầu thơ, anh chỉ nói đã dời về Tuy Hòa - sau nhiều năm sống tại Sài Gòn và anh quyết định ở lại đây vì nơi đây có quá nhiều kỷ niệm, dầu cuộc sống đôi khi không cho phép để nhớ về những kỷ niệm đó nữa... Ðoạn này tôi chỉ đoán là anh nhớ đến tôi... Anh hỏi tôi tới bây giờ đã có một lần nào về thăm lại quê hương chưa. Anh nói nếu em đã về thì anh đã mất một dịp gặp lại em rồi, anh nói anh biết anh mâu thuẫn, không muốn tôi liên lạc sau khi nhận thư anh, nhưng một góc nào đó trong trái tim, anh vẫn muốn thấy “dung nhan ấy bây giờ ra sao?" Đọc tới đây, tôi gấp bức thư lại để trước ngực, hình dung lại vẻ mặt của anh khi anh cất tiếng hát “....xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?” Tôi chợt liếc nhìn cái gương treo gần đó và mỉm cười chua chát, chắc chắn em không còn “đôi má đào, như ngày nào" nữa anh ạ! Hơn 40 năm rồi kể từ ngày chúng ta gặp nhau lần cuối, ai biết đó sẽ là lần cuối! Nếu tôi biết được lúc ấy là lần cuối, tôi đã không giận hờn để anh cuống quít xin lỗi vì một lời nói đùa, mà tôi chỉ muốn hành hạ anh cho thỏa tự ái, anh phải dỗ dành hàng mấy ngày, có khi hàng tuần mới hết giận. Nếu tôi biết có ngày anh sẽ dâng hiến cho núi sông một cánh tay, tôi đã lắng nghe lời giải thích của anh về tấm hình oan nghiệt... Chữ “nếu” lớn nhất tới bây giờ tôi vẫn còn ân hận, là nếu không vì tự ái quá lớn, tôi đã không xa anh vĩnh viễn và nếu tôi có phép thần thông, tôi sẽ quay ngược kim đồng hồ, dừng lại ở những giây phút hai đứa bên nhau!

Tôi ngừng đọc bức thơ mới, lấy bức hình từ trong lá thư của 5 năm về trước ra xem để mường tượng lại gương mặt của anh. Bức hình trắng đen cũ kỹ, tôi cất rất kỹ cả trong ngăn kéo cuộc đời và ngăn kéo của trái tim tôi. Anh viết: biển Tuy Hòa vẫn sóng vỗ rạt rào và anh hình dung đâu đó những tà áo trắng tung bay, những vết chân trên cát của đám học trò cả gái, cả trai tinh nghịch vui đùa thỏa thích. Tôi nhớ lại con đường dẫn xuống biển của tuổi học trò, con đường lúc ấy đạp xe từng cặp, áo dắt ở lưng quần để “giây sên” đừng cắn đứt, đứa ngồi sau cũng vén áo cẩn thận, lũ con trai làm tàng đạp thật nhanh, tụi con gái chúng tôi lè lưỡi ra nhát. Anh đạp xe song song hỏi nhỏ Thuận “Thuận chở Thu nặng quá, đạp không nổi kia tề, để anh chở Thu cho." Thuận chưa biết trả lời ra sao, tôi vùng vằng ngúng nguẩy, “Không chịu mô, dị òm!” Anh mỉm cười không ép, tiếp tục đi kề bên như muốn tiếp sức cho chúng tôi vì con đường chạy tới bãi biển khá xa. Những con còng nhỏ li ti bò thật nhanh trên bãi cát và trốn thật lẹ với những cái càng nhỏ xíu. Anh chỉ con còng trêu tôi “Nè, con còng nhanh còn hơn Thu nữa kìa, cứ trốn anh hoài." Tôi vùng vằng: "Trốn mô nờ! nhưng đừng có tới nói chuyện nhiều rứa, mạ biết la chết." Anh cười: "Làm răng mạ biết được." Mạ cũng không thể nào biết được hai đứa hẹn hò nhau ở nhà con Bân mà tôi nói là đi chép bài hoặc trao đổi vài ánh mắt nụ cười trong những lần cắm trại của trường, và mạ cũng không bao giờ biết được có những lúc tôi nằm để giọt nước mắt ướt gối vì giận hờn anh. Mối tình thật trong trắng thơ ngây của tuổi học trò nhưng phải giấu diếm vì mạ muốn tôi học thành tài, không yêu đương vớ vẩn.

Mạ không biết nhưng anh Quang biết và anh Quang giận anh, cho anh không đứng đắn. Anh và anh Quang học cùng đệ nhị cấp, nhưng không học cùng lớp, anh Quang ban B và anh ban C. Anh Quang hay nói, “thằng nớ chỉ lo đờn, hát và tán gái." Tôi phụng phịu không đồng ý nhưng không dám cãi. Tôi biết anh có tính nghệ sĩ, có nhiều bạn và cũng có nhiều cô gái đẹp ở trường chú ý, lòng anh ra sao tôi không biết nhưng tôi chưa hề thấy anh cợt nhã với ai. Với tôi anh cũng săn sóc một cách lịch sự, chừng mực, anh nở nụ cười nửa miệng “bé ráng học cho giỏi mạ, anh thương”. Đôi lúc tôi nghĩ hay anh chỉ xem tôi “là người em gái thôi", nhưng khi nhìn ánh mắt anh, tôi choáng ngợp, tôi biết anh thương tôi.

Cho tới ngày tôi tìm được trong tập vở của anh hình một người con gái khác, tôi quăng hình và vở của anh, trong khi anh cố gắng giải thích, hình đó của N. tự bỏ vào vở của anh. Tôi làm sao tin được, tôi nhớ đến lời anh Quang nói về anh. Từ đó, tôi nhất định xa anh, mặc dù anh làm gan đến nhà tỏ ý thân thiện với anh Quang trước và mặc dầu anh Quang không tiếp anh vồn vã lắm, nhưng anh vẫn mặc, tôi nhìn ra ngoài phòng khách bắt gặp ánh mắt băn khoăn của anh, anh không biết tôi có nhà hay không, nhưng không dám hỏi, ngồi một lát anh thất vọng chào về. Từ đó tôi mất anh, anh theo gia đình vào Sài Gòn sau khi gởi tôi những lá thơ và biết không bao giờ được hồi âm. Vài năm sau, nghe tin anh đã kết hôn với người trong bức ảnh! Tôi chỉ nghe lại từ một người bạn khác nói N. đeo đuổi anh cho tới lúc được anh. Nhưng sau đó cũng chính người này bỏ rơi anh!

Cũng do người quen kể lại, tôi biết anh đi lính Không Quân, đầu đội trời chân ít khi chạm đất, anh được nhiều huy chương vì có nhiều chiến công với những phi vụ can trường và cũng vì can trường anh đã để lại trong rừng sâu cả một cánh tay. Tôi cũng đã lập gia đình, ba má tôi ở lại Việt Nam và cũng đã lần lượt qua đời sau một thời gian sau khi Cộng Sản xâm chiếm miền nam. Tôi đã trôi theo dòng người di tản, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử lòai người. Trước đó, mạ cũng nhắc về anh, mạ nói sau này anh có về Tuy Hòa và lại thăm mạ và anh Quang. Mạ nói anh Quang và anh sau này hiểu nhau hơn và trở thành đôi bạn thân! Thật không ngờ! Mạ hỏi tôi có biết anh bị thương và mất một cánh tay không? Mạ đâu biết khi nghe anh bị thương lòng tôi chấn động mạnh và không khỏi bồi hồi nhớ lại bàn tay anh thoăn thoắt điệu nghệ trên phím đàn guitar trong những buổi văn nghệ của trường. Tôi nói: “Dạ biết!” Mạ cũng hối tiếc cho cuộc tình của anh và tôi không thành và thường nhắc đến chuyện xưa của chúng tôi. Mạ nói trước khi anh đi, anh có từ giã mạ và anh nhắn tôi đã hiểu lầm anh. Vì tự ái của tuổi trẻ tôi đã để mất cuộc tình thứ nhất và cũng là cuộc tình cuối trong đời.

Tôi vẫn chăm chú nhìn gương mặt anh trong tấm ảnh phai màu để tìm lại dư hương ngày tháng cũ. Tôi thì thầm như kể chuyện với anh. Anh có nhớ con Bân không? Nghe nói nó bị tiểu đường không chạy đủ thuốc thang rồi vì mê ăn đường không bỏ được nên nó đã chết. Con Nhược Hà, có gương mặt thật hiền lành, cũng người Huế, có người chú là thầy dạy địa lý của lớp tôi, không biết có phải chú thật hay chú bá láp mà sau đó thì nghe chú phải lòng cháu... Nhưng mặc kệ chuyện thị phi, tụi tôi nhóm 4 đứa con gái, Nhược Hà là một trong tứ quý (có đứa nói tứ quý là cho con trai, còn con gái là tứ quỷ vì phá quá trời, ăn hàng cũng quá trời). Thuận bằng tuổi tụi tôi nhưng có vẻ chững chạc hơn tất cả, Thuận theo ghe vượt biên và đã bỏ mình trên biển cả. Nhược Hải nghe nói sau này ưng ông chú (hờ) và đã có tới 5 con! Con nhỏ có cái đầu và cái mặt nhỏ xíu, lưng nhỏ, mông nở đúng là tướng vượng phu ích tử như có lần ông thầy tướng số đóan cho chúng tôi trong một bữa nghỉ học.

Tôi ấp lá thư lên ngực. Nhận được thư anh tôi mừng rớt nước mắt. Tôi bắt đầu đọc tiếp lá thư thật chậm, như đứa bé mới học vỡ lòng, đánh vần từng chữ và uống từng giòng... Trong thư anh không nhắc lại quãng đời anh bị tù tội, nhưng tôi được biết anh bị tù hết 5 năm, mặc dù chỉ với một cánh tay và anh đã giải ngũ khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam. Tôi không biết lý do tại sao anh không xin đi Mỹ theo chương trình HO và cũng không hiểu anh đã sinh sống như thế nào từ cuộc thay đổi bể dâu ấy. Mặc dù anh và tôi đã thỏa thuận đừng tìm đến nhau làm gì nữa, lở dở hết rồi, nhìn cánh tay đã cụt tới vai tôi đoán lý do anh không muốn gặp lại tôi. Tôi ráng nhìn đôi mắt trong tấm ảnh để tìm lại ánh nhìn sâu thẳm của năm nào, nhưng tôi chỉ thấy lờ mờ một đôi mắt không còn tinh anh sau những năm tù tội và những tháng năm vật lộn với cuộc sống không tương lai. Anh bận chiếc quần nhà binh còn chiếc áo màu gì tôi không đoán nổi.

Tôi lại cố tìm những ẩn ngữ của lá thư, anh viết:

“Đất nước có nhiều đổi thay nên cuộc sống của mọi người, trong đó có anh, cũng có nhiều thay đổi. Anh đã sống từ Sài Gòn, cho đến Nha Trang, Pleiku, Tuy Hòa, Đà Nẵng, mỗi nơi anh và một vài người bạn nâng đỡ lẫn nhau, mưa nắng có nhau và bên anh còn có cây đờn guitar nữa, cây đờn này do một người bạn đã tặng anh trước khi anh từ giã cõi đời nên anh quý lắm, đi đâu anh cũng mang theo...”

Tôi chợt thương nhớ làm sao hình ảnh anh ôm đàn ngồi giữa đám bạn bè nơi trường xưa, lớp cũ với những bài slow rock. Tôi ngậm ngùi đọc tiếp thư anh:

“...Sau đó anh lại trở về Sài Gòn, và bây giờ anh lại về Tuy Hòa, nhưng em đừng lo, khi xưa thì cũng rày đây mai đó nên cũng không có gì đáng quan tâm. Anh chỉ thương những người bạn đồng cảnh ngộ mà lá thư trước anh không nhắc sợ em bận lòng, anh dầu sao cũng còn một cánh tay lành lặn, còn bạn anh, thằng Hùng học cùng lớp và rồi học cùng khóa KQ, em nhớ Hùng không? Hắn có cái trán dô, trong lớp gọi là Hùng Dô đó, nó không còn cả tay, lẫn đôi chân, nhưng nó vẫn dũng cảm mà sống, vợ nó đã bỏ nó lâu rồi, con nó cũng không thèm nhìn nó. Còn những người khác chắc em không biết đâu, có người mù mắt, có kẻ liệt cả phần thân thể... À, em còn nhớ thầy Ngọc không? Ổng bây giờ làm nghề giác hơi, thỉnh thỏang ông giác lưng cho anh không tính tiền, em có thể tưởng tượng được không?...”

Không, tôi không thể tưởng tượng và hình dung được thầy Ngọc với gương mặt chữ điền đẹp trai cao ngạo bây giờ làm nghề giác hơi.

Tôi cảm thấy hồi hộp, sợ tìm ra một vài tên tuổi quen thuộc đang sống trong cuộc đổi đời vĩ đại này. Anh viết tiếp:

“Anh xin lỗi đã mang những chuyện không vui kể cho em nghe. Anh và các bạn tuy lam lũ nhưng thương nhau như anh em ruột thịt, em đừng lo. Vài giòng anh lại viết: “em đừng lo”...

Tôi hình dung ra nụ cười nửa miệng quyến rũ của anh khi nói câu này, anh sợ tôi thương hại anh và như vậy, sẽ động chạm lòng tự ái của anh. Tôi lau nước mắt đọc tiếp:

"Kể cho em chuyện này để cho em biết một vài sự thật nếu em có nghe ai sang bên đó kể lại “đất nước đã có nhiều thay đổi để em hình dung thay đổi như thế nào đó mà, dầu sự chuyển đạt tư tưởng của anh có phần vụng về, nhưng anh chắc em hiểu, anh, bạn anh, bạn em, cả nước cũng đang đổi thay em ạ vì anh và các bạn bây giờ có tên mới là Thương Phế Binh!”

Tôi thẫn thờ buông rơi lá thơ xuống đất vì thương anh, thương cho bạn anh, thương cho đất nước của chúng ta!

Buổi chiều đã trở về, mùa hè lại trở về, nắng nhảy múa ngòai sân, tôi lau nước mắt cúi xuống nhặt lá thư lên, tay tôi vô tình làm cả xấp giấy tờ và thư lẫn lộn ở góc bàn vương vãi rớt xuống. Khi cúi xuống lượm những giấy tờ lên, tôi nhận ra một lá thư khác cũng gởi từ Việt Nam của một thương phế binh, nhờ chuyển lại cho hội cựu quân nhân để xin cứu trợ, mà tôi chưa kịp giao lại cho người phụ trách, tôi đoán người trong thơ đã theo địa chỉ của những người bảo trợ hồ sơ trước đây của các hội đoàn tổ chức, mà tôi cũng đã bảo trợ vài lần.

Tôi kéo tấm hình của người viết thư ra nhìn, anh bị cụt cả hai chân, ngồi trên chiếc ghế, hai cái chân cụt lòng thong. Gương mặt người thương phế binh nhăn nhúm, một bàn tay cong queo, tàn tật. Tôi ngậm ngùi thương cho kẻ đã hy sinh suốt cuộc đời trai trẻ của mình, nay thành kẻ tàn phế phải viết thư xin những người bạn đồng ngũ đã một thời cùng chung chiến tuyến một ít tình thương. Tội quá người chiến binh Việt Nam! Thành phần nầy vẫn còn hàng hà sa số, họ là những người kém may mắn không đến được bến bờ tự do, đang sống một cuộc đời lây lất khổ sở, phải đi ăn xin, hoặc kiếm sống qua ngày bằng những việc như bán vé số, bơm ruột xe đạp, vá bánh xe v.v... với một con mắt, một cái chân và trời ơi... chỉ một cánh tay như anh!

Tôi chợt hoảng hốt, anh đã sống ra sao? Chắc anh cũng cùng cảnh ngộ? Tôi quay quắt tự trách mình chỉ biết nhớ thương mà không tìm ra sự thật. Anh không hề có một giòng chữ xin xỏ nào trong thư, nhất là cái thư trước anh không hề đá động tới cuộc sống hiện tại, nhưng đáng lẽ tôi phải đoán ra, anh cũng là một “Thương Phế Binh” sống rày đây mai đó, vất vả lang thang nên thư tôi gởi đã không tới được anh! Anh đã sống ra sao? Có ai giúp đỡ cho anh trong cuộc đời còn lại? Tôi bàng hoàng, chắc vì tự ái anh không bao giờ cho tôi biết cuộc sống của anh? Tôi đứng lên, lòng nhất định chuyến này tôi phải hồi âm, dầu anh có muốn hay không. Tôi sẽ cầu nguyện thư tôi gửi sẽ tới tay anh và tôi sẽ làm một điều gì đó để giúp anh, giúp bạn anh dầu có muộn nhưng hy vọng vẫn còn kịp vớt vát phần nào lỗi lầm của tôi đối với anh , đối với những người bạn anh.

Kể từ tháng Tư thật đen, một màu đen bao la bao trùm cả đất nước Việt Nam, năm 75, và màu đen ấy vẫn còn bám theo những người lính khốn khổ thất trận miền Nam. Còn tôi, trôi nổi quê người, không bà con ruột thịt nhưng cũng như nhiều đồng hương khác, sẽ cố làm sao đem một ít ánh sáng gởi về những miền tăm tối nhất, nơi đó có anh, có người tôi thương: Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa.


Nguồn