Thursday 24 February 2011

Thư tình tuổi 90



Anh ngồi bấu tay vào thành giường nhìn ra ngoài trời. Hình như mưa. Mắt anh mấy ngày nay thấy nắng loà nhoà lại tưởng mưa, thấy mưa thì nhìn như đang nắng xuống. Thằng chắt nội nói, mắt cụ nhìn không rõ nữa, cụ đi đâu để cháu dắt. Nó nói thật em nhỉ, nhưng mình cần gì nó dắt, ví thử có em đến ngoài ngõ kia, anh chẳng nhìn thấy rõ mồn một.

Anh vẫn khoẻ. Mỗi ngày các cháu nó cho ăn năm bữa, mỗi bữa một bát cháo đã nát nhừ. Anh chỉ dám viết thư cho em mà không dám gọi điện vì tiếng của anh nói em chỉ có thể nghe như tiếng rừng phi lao xào xạc.

Sáng nào anh cũng đi thể dục, đi từ mép giường ra tới bậc cửa sổ, vị chi là bốn bước. Bốn bước mà đi mất hai giờ, mồ hôi đổ vã ra, sảng khoái ghê!

Nay con cháu đông rồi, anh không phải đánh máy như ngày xửa ngày xưa nữa, các cháu giúp ông. Nhưng khi viết thư cho em, anh phải tự đánh máy lấy. Thư này anh viết từ mùa hè, giữa hè, đến đúng mùa đông thì xong, mỗi ngày anh viết quần quật được hai dòng. Ngày nào viết đến ba dòng thì phải truyền một lọ đạm.

Nhớ cách đây chừng 50 năm em nhỉ, chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: Thích quá cơ. Còn anh thì chạy theo sau nhìn em, thấy đôi chân em trắng loáng trong ánh chiều hoàng hôn ở bãi biển mà nhớ mãi. Giờ vẫn nhớ đấy. Hôm rồi, nhớ em quá bảo đứa cháu nó đưa ra biển. Đinh nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói, thích quá cơ, nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió biển thổi.

Nhận được tin em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa năm thìa cháo bột mà mừng quá. Ăn năm thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khoẻ thế này mà chỉ ăn bốn thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xửa ngày xưa vẫn thích ăn cơm nguội với nước cá kho. Vừa rồi, tự dưng thèm cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi mà miệng anh như ăn phải đá hộc, đau tê tái.

Anh nhắc nhé, nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo ông ơi, ra sân hóng mát, gió nồm mát lắm ông ạ. Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió nồm suýt thổi anh bay lên nóc nhà, may có hai thằng cháu giữ chặt.

Sắp tới ngày sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xào tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng thùm thùm tức là anh đang chúc em sinh nhật vui vẻ. Đến khi nghe tiếng phù phù nhiều lần là anh đang hôn em.

Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình, hình như tay ai, nhìn rất tội. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê bé tý lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi.

Em ngủ ngon không?

Anh chợp mắt từ chập tối. đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói ông ngủ ít quá. Anh bảo, thì đến khi ông ra đi, xuống đất, ông ngủ cả ngày lo gì.

Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính, xem lại mấy bài viết trên blog hồi ấy, thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà blogger cũng không còn mấy ai nữa, lâu chẳng thấy ai vào blog nữa. Lũ cháu hỏi, ông ơi, blog là gì. Chúng nó bây giờ chẳng có blog. Ngồi bô đi ị mà vẫn có màn hình máy tính ở miệng bô, thích thật. Thời buổi giờ hiện đại quá, mình chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển từ xa, điều khiển cả rôbốt. Anh ngồi, rôbốt nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ rôbốt làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng tiếng anh phì phèo quá nên máy chữ nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết, em ơi, anh nhớ em lắm nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành: Phem phơi, phanh phớ phem phắm. Thế mới bực!

Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em thế nghe ngọt ngào. Hai ngày nữa anh tròn 90 tuổi. Anh đợi thư em.

Mà nếu không gửi được thư thì bảo rôbốt nó mang thư đến cho anh em nhé.

Anh dừng bút.

Thằng chắt nội đang mang chén cháo bột đến để cho anh ăn.

Chúc em ngủ ngon nhé. Nhớ đừng ra gió.


Nguồn

Sunday 20 February 2011

Những cánh thư gửi trẻ em vùng lũ


Mình chưa bao giờ bị lũ cả. Sài Gòn khi nào nhiều mưa cũng có ngập nhưng không lên tới mái nhà như mấy bạn đâu. Ba mẹ mình nói lũ sẽ cuốn trôi nhiều thứ, có cả trẻ em và người lớn nữa. Ba nói nhiều bạn có thể mất ba, mất mẹ khi lũ đi qua. Mấy bạn đừng để bị lũ cuốn nha!”.

Đó là những dòng thư của bé Lâm Hồng Nhung (lớp 5/1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) viết cho các bạn nhỏ vùng lũ miền Trung. Cô bé chưa một lần chứng kiến cảnh lũ nhưng đã khóc ròng khi xem tivi về bão lũ miền Trung và được bố đệm thêm một câu: “Ngày trước bố mẹ cũng từng như thế!”. Tối ấy, bé Nhung đã thức và viết một bức thư dài gửi các bạn nhỏ miền Trung.

Cả tuần nay, hộp thư “Thay lời muốn nói” (nơi các bạn nhỏ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng) của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy ắp những lá thư như thế. Nhiều em đã thức khuya nắn nót từng con chữ để viết thư an ủi, động viên các bạn nhỏ miền Trung vừa trải qua cơn lũ dữ.

“Lũ lụt như vậy các bạn có đói không? Ngoài miền Trung mưa lớn chắc mấy bạn lạnh lắm. Nhà mấy bạn có bị lũ cuốn trôi không? Sách vở mấy bạn chắc bị ướt hết rồi. Các bạn có khóc vì sợ không? Còn mình thì khóc thật nhiều khi thấy cảnh mấy bạn ngồi trên nóc nhà ăn mì tôm sống...”. Đó là những dòng thư mà em Vũ Anh Nhi (lớp 4/1) đã viết. Bức thư viết trên giấy học trò, ngoài nét chữ mềm mại còn được điểm xuyết thêm hình vẽ ông mặt trời, cầu vồng bảy sắc.

Bé Nhi nói: “Con xem mấy bạn bị lũ trên tivi cùng ba mẹ. Con và mẹ đều khóc khi thấy cảnh mấy bạn ôm con chó ngồi trên nóc nhà. Xung quanh toàn nước là nước. Tối đó, con đã viết thư gửi mấy bạn nhỏ Hà Tĩnh. Con vẽ thêm cầu vồng và ông mặt trời để ông mặt trời không mưa nữa, nhà mấy bạn không bị lụt nữa. Các bạn sẽ được đến trường như con”. Nhi không chỉ viết thư mà còn nhịn quà sáng liên tục một tuần để lấy tiền quyên góp cho các bạn nhỏ miền Trung.

Còn lá thư của bé Trương Thế Tiến (lớp 5/6) được viền xung quanh bằng hình vẽ các gói mì. Thư của bé Tiến được viết bằng nét mực tím nghiêng nghiêng: “Ra đường, mọi người nói với nhau và thương các bạn nhỏ miền Trung lắm. Còn ở trường, tụi mình ai cũng muốn quyên góp cho miền Trung. Mình đã gửi con heo đất yêu quý nuôi từ nhiều năm để ủng hộ các bạn, cả sách vở và bút chì nữa. Các bạn hãy cố lên nhé vì nhiều người nghĩ đến các bạn lắm...”


Nguồn

Friday 18 February 2011

Chuyện những cánh thư chở nặng ân tình thời chiến


Trong căn nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế, tuy đã gần 80 nhưng bà Thư mắt vẫn còn sáng lắm. Bằng giọng trầm ấm, bà bồi hồi kể về chuyện tình đã viết lên sách với người bạn, người chồng mà bà vô cùng yêu quý - cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nên duyên nhờ những cánh thư

Sinh ra trong một gia đình viên chức ở Thị xã Móng Cái, đến khi xảy ra chiến sự gia đình bà tản cư đến tận Thanh Hóa… Lớn lên, tốt nghiệp lớp trung cấp nữ hộ sinh xong bà về công tác tại y tế Hà Đông (thuộc Hà Nội ngày nay).

Cho đến tháng 10/1953 trở về sau đánh dấu quãng đời với những kí ức đẹp không thể quên về chuyện tình thời chiến của bà. Ngày đó là thời gian đầu thoát ly gia đình, đang mải mê sống và học tập trong một tập thể lớn thì bất ngờ cô nữ hộ sinh nhận được hai lá thư, một của bố mẹ gửi từ Thanh Hóa ra, một của người con trai chưa hề quen biết. Và, từ đó bắt đầu một chuyện tình đầy cảm động.

Những lá thư đều đặn từ người con trai có tên Lê Ngọc Hiền, sau này là chồng, là bạn đời đến giờ bà vẫn còn lưu giữ. Cầm trên tay những lá thư đã ố vàng nhuộm màu thời gian, bà thư nhớ lại: “Ngày ấy, vợ chồng chúng tôi đến được với nhau là nhờ những lá thư này.

Lá thư đầu tiên anh viết vì không muốn làm tôi bất ngờ, lúng túng khi hai người gặp nhau. Anh nói anh là bạn của anh Xuân người yêu Tố, bạn tôi. Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi có ưng không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư để tôi tìm hiểu anh trước".

Không lâu sau đám cưới hai người bạn Xuân-Tố được tổ chức, bà Thư và ông Hiền được anh em bộ đội sắp xếp cho gặp mặt. Từ đây, mối tình của họ mới thực sự đơm hoa.

Và cứ thế những cánh thư vượt bao làn khói đạn giữa miền Trung-Bắc đã nối liền khoảng cách tâm hồn anh bộ đội Ngọc Hiền và cô nữ hộ sinh Ngọc Thư. Để rồi cuối cùng ngày vui của ông Hiền, bà Thư cũng đến như một kết thúc có hậu thời loạn lạc.

Trước sự chứng kiến của đồng đội, sự tác hợp của đơn vị chiến đấu, một đám cưới giản dị đã diễn ra. Cô dâu vẫn quần đen, áo nâu, chít khăn mỏ quạ như ngày thường. “Nhớ lại đám cưới của mình mà thấy buồn cười. Nhiều người cứ  nhìn cô dâu, chú rể mãi mà không biết ở đâu. Nhưng thời chiến, thế là vui lắm rồi,” bà Thư xúc động nói.

"Anh và Thư "- Tình yêu và cuộc đời

Xuyên qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, không chỉ có tình yêu bị thử thách bởi bom đạn, thời gian  mà những cánh thư mỏng mảnh từ chiến trường bay trở về với người thân nơi hậu phương cũng  phải xuyên qua làn bom đạn, phải trải qua biết bao khó khăn, cách trở. Có những lá thư nhuốm máu…

Những lá thư không chỉ trở nặng ân tình, thương nhớ, nó còn là tin báo để người hậu phương biết chồng, cha, anh, em, con mình vẫn còn sống, vẫn đang chiến đấu vì đất nước, vì hòa bình. Những lá thư chứa đựng một phần đời mỗi con người trong đó.

Chính vì vậy, hàng ngàn lá thư của đôi vợ chồng Lương Ngọc Thư-Lê Ngọc Hiền  đã trở thành những vật chứng hùng hồn về tình yêu, về lòng chung thủy, sự kiên định, dũng cảm của người lính ra đi vì sự nghiệp non sông, sự sắt son  và năm tháng của người vợ nơi hậu phương, giỏi việc nước, đảm việc nhà...để rồi sau này chúng được tập hợp và in thành tập sách "Anh và Thư."

Mỗi lần chạm vào quá khứ bà Thư lại đẫm lệ hồi tưởng những kỷ niệm dường như “chỉ mới như ngày hôm qua mà thôi,'' bà say sưa kể: Sau ngày cưới, anh bộ đội Lê Ngọc Hiền trở về đơn vị để cô dâu trẻ lại làm việc nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường của người thân nơi hậu phương, những cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…

Đối với bà Thư, cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền như một người anh, người thầy về cuộc sống, về lý tưởng cách mạng.

Trong một bức thư gửi vợ, trước khi phải đi chiến trường xa, ông Hiền viết: “Anh lại đi xa một thời gian, đi xa để làm nhiệm vụ mà Đảng giao cho, là vinh dự cho anh và cũng là vinh dự cho cả hai vợ chồng ta. Em đừng buồn nhé. Cuộc tình duyên của chúng ta đã trải qua bao nhiêu đấu tranh khó khăn, em cũng vẫn vững trí kiên trì mà vượt qua được để xứng đáng với nhau…”.

Trong “kho” thư ấy, lá thư khiến bà vui nhất chính là bức được viết sau ngày đất nước giải phóng. Bởi theo bà, sau giải phóng nhiều người trở về, mà ông Hiền không thấy tin gì, khi nhận được thư bà mới biết chồng vẫn sống. Bà Thư bồi hồi đưa cho chúng tôi bức thư được viết ngày 15/5/1975.

“Thư yêu quý!… Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào? Và những cảm tưởng trong người mình là cái gì?...”.

Hàng ngàn bức thư của hai ông bà Hiền-Thư đó chính là những kỷ vật quý giá ghi dấu ấn về một thời chiến ác liệt nhưng cũng vô cùng tình nghĩa sắt son. “Tôi cũng thường đưa những lá thư của mình ra khuyên dạy, nhắc nhở các con để chúng biết mà sống chung thuỷ.

Ngoài những lá thư in thành sách tôi đã gửi hàng trăm lá thư cho bảo tàng Quân sự Việt Nam, với mong muốn để mọi người biết rằng, thời xưa dù khó khăn, vất vả đến mấy, chuyện tình của họ vẫn bền bỉ, thủy chung,” bà Thư vừa ngước nhìn lên di ảnh chồng vừa nói./.


Nguồn

Tuesday 15 February 2011

Những cánh thư đi


Dũng và Hoa quen nhau bởi một lá thư lạc địa chỉ. Hoa không thích viết thư và cũng chẳng bao giờ nhận được thư. Nhưng chẳng hiểu sao hôm đó cô lại nhận được một lá thư với những nét chữ lạ hoắc. Rõ ràng địa chỉ này không có ai tên như thế và Hoa đã gửi trả lại chủ nhân với những lời giải thích ngắn gọn.

Tháng sau cô lại nhận được thư - vẫn nét chữ lạ đó nhưng lần này thì gửi đích danh cho cô. Và thế là hai người trở thành bạn qua những cánh thư.

Sở dĩ Hoa mới chỉ xem đây là tình bạn - mặc dù đã rất nhiều lần Dũng dợm bước chân sang ranh giới tình yêu, là vì cô chưa tin lắm vào những cảm xúc mình có được trong khoảng thời gian một năm, nhất lại là chuyện tình cảm qua những cánh thư. Hoa không phải là người rụt rè hay nhút nhát, nhưng cô cũng không thích những chuyện quá phiêu lưu – mà yêu người qua thư với cô còn là chuyện rất lạ. Điều khiến Hoa lo lắng chính là cô sợ, biết đâu khi đọc thư Dũng lại chẳng tưởng tượng ra cô là cô gái đẹp, duyên dáng. Nếu như thế thật thì chắc chắn khi gặp Hoa, hẳn anh sẽ rất thất vọng.

Mỗi lần nhận được thư của Hoa là Dũng cảm thấy cả ngày hôm đó anh sẽ gặp may mắn. Có bận trèo lên xe buýt Dũng mới phát hiện ra trong túi mình chẳng còn một xu. Đang lo lắng toát mồ hôi thì lại gặp người bạn học cùng lớp. Thế là Dũng cho đó là sự may mắn bởi hôm nay anh nhận được thư của Hoa. Thỉnh thoảng vẫn có những chuyện ngẫu nhiên như thế khiến cho Dũng càng vững tin hơn rằng chính những lá thư Hoa gửi từ nơi phương xa mang lại may mắn cho anh. Quen Hoa một năm, mỗi tháng anh gửi đi đều đặn ba lá thư và nhận được hai lá thư.

Thỉnh thoảng, tỷ mẩn Dũng ngồi bày những lá thư ra và nhẩn nha đọc lại từng lá một. Mỗi lần đọc lại là một lần anh lại tìm được những cảm xúc mới. Dù chẳng phải là người lãng mạn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Dũng luôn cảm thấy giữa anh và Hoa - người bạn qua thư, có mối liên kết thật đặc biệt.

Và, cho dù người ở rất xa nhau thì cũng có lúc cần phải gặp nhau. Đó là điều khiến Hoa suy nghĩ cả tuần nay. Dù cố gắng chỉ coi đó như một tình bạn đẹp, không nên hy vọng nhiều nhưng cô vẫn không muốn khiến cho Dũng thất vọng. Biết đâu, nếu chỉ là bạn qua thư thì mối quan hệ của họ còn duy trì được lâu dài, lỡ gặp rồi… Hoa cứ suy nghĩ miên man, đã rất nhiều lần cô trì hoãn cuộc gặp mặt này. Nhưng bây giờ, những lý do cô đưa ra đã không còn thuyết phục được Dũng nữa, anh hẹn sẽ đến thăm Hoa vào dịp sinh nhật cô tròn 21 tuổi. Hoa không biết Dũng sẽ nhận ra cô bằng cách nào. Đôi khi cô cũng tự hỏi vì sao Dũng chưa bao giờ yêu cầu cô gửi hình cho anh. Ngay cả bản thân cô, cũng chưa bao giờ thử tưởng tượng về người bạn qua thư của mình. Có lẽ Hoa không muốn những hình dung của mình phá hỏng những ấn tượng có thể có với Dũng. Hoa mong, Dũng cũng sẽ như thế.

Chưa khi nào Dũng nghĩ mình cần một tấm hình của Hoa, bởi anh muốn tất cả những cảm xúc anh có với cô bạn gái sẽ là cảm xúc chân thành, không phụ thuộc yếu tố bên ngoài. Dũng chẳng biết nên tặng gì cho Hoa vào ngày gặp gỡ. Anh sợ những bông hoa hồng có thể khiến cô gái hoảng sợ, còn nếu chỉ là một cành lan hay một loại gì đó thì anh lại thấy chúng không đủ thể hiện tình cảm của anh. Nhiều khi đi qua một hàng hoa bất kỳ, anh cứ lơ mơ nghĩ tới những giây phút đứng trước người con gái trong giấc mơ của mình, trao cho cô những bông hoa đẹp nhất do chính tay anh chọn, Dũng thấy hồi hộp lạ. Dù chưa từng biết hình dáng thật của Hoa, nhưng anh tin mình đủ nhạy cảm để nhận ra Hoa giữa những người xa lạ….

Một buổi sáng mùa thu, có chàng trai với 21 bông hồng trên tay thấp thỏm đợi chờ. Bên kia đường, có cô gái với đôi mắt trong veo nhìn sang ngập ngừng. Dù chưa nhìn thấy nhau, nhưng cô gái tin, chàng trai sẽ nhận ra cô giữa dòng người xuôi ngược. Cô tin là như thế bởi cô cũng đã nhận ra anh giữa rất nhiều người xa lạ mà cô từng lướt qua trong đời.


Nguồn

Saturday 12 February 2011

Chuyện những cánh thư


Dăm mươi năm về trước, cái thời mà con người không thể nhìn mặt nhau, không thể nhìn nghe thấy giọng của nhau thông qua một cái màn hình.

Chị tôi xa nhà đi học. Trước ngày đi cả tháng, cả mẹ và ba đều thay phiên nhau dặn dò chị rất nhiều. Họ quyến luyến, không muốn phải xa đứa con gái thân yêu của mình. Mà đó chỉ là suy nghĩ nhất thời, vì suy cho cùng, họ muốn con mình được bay cao, bay xa với những ước mơ lớn lao. Nên dù có buồn, có không muốn thì ba mẹ vẫn phải để chị đi.

Ngày chị đi, ba mẹ dặn dò mỗi tháng phải viết thư về một lần, chị tôi vốn nghe lời. Vậy là cứ đều đặn mỗi tháng, chị viết thư về cho mẹ.

Cứ như vậy, vào cuối tháng là ba mẹ tôi lại ngóng ngóng trông trông một lá thư tay. Nhiều khi lá thư chỉ là dăm bà dòng chữ nguệch ngoạch như những dòng thông báo ngắn gọn. Vậy mà ba mẹ vẫn chờ, vẫn nâng niu từng cánh thư một!

Bốn năm, chị học xong. Đáng lẽ bố mẹ nên vui mừng vì sắp được gặp con gái. Nghĩ là vậy, nhưng cuối cùng họ buồn hiu hắt, họ lại tiếp tục đợi chờ những cánh thư… Chị tôi quyết định ở lại thành phố lập nghiệp.


Vậy là cứ đều đặn mỗi tháng, chị viết thư về cho mẹ..

Rồi những cách thư thưa thớt dần, bố mẹ vẫn không buồn. Dù ít thư, nhưng bố mẹ giữ thái độ khi xưa, chờ đợi và trân trọng. Chỉ có một ngày, tôi thấy mẹ lạ, mẹ cầm thư mà rưng rưng nước mắt. Tôi định đọc xem thư viết gì, nhưng nước mắt của mẹ đã làm những con chữ nhạt nhòe… Chị tôi lại quyết định. Chị báo sẽ lấy chồng thành phố.

Người ta thường nói “con gái là con người ta”, bố mẹ tôi có lẽ cũng biết và chấp nhận điều đó. Lâu thật lâu tôi không còn thấy bố hoặc mẹ chờ đợi những cánh thư nữa.

Đến lượt tôi xa nhà đi học. Vẫn như ngày xưa, bố mẹ quyến luyến nhưng cũng đành buông tay. Mẹ dặn tôi viết thư. Ôi trời! Tôi bĩu môi, thời đại này ai mà còn viết thư nữa. Có gì người ta cứ gọi điện thoại hay dùng Internet chat chit với nhau là được. Nói vậy chứ ba mẹ tôi nào có biết máy tính là gì, kể gì đến dùng Internet.

Vậy là ông bà lại chờ bốn năm. Không một cánh thư, chỉ thỉnh thoảng có những cú điện thoại bất chợt và kết thúc trong thanh âm vội vã của thành phố. Tôi tự nhủ bốn năm sau mình sẽ về sống cùng bố mẹ, có gì đâu. Chỉ bốn năm…

Tôi học xong, bị sự náo nhiệt của thành phố cuốn đi. Tôi lại ở thành phố lập nghiệp. Bố mẹ biết tin, không thể nói gì…

Nhiều năm nữa nối tiếp nhau, lời hứa ngày xưa tôi hứa rằng mình sẽ về sống vối bố mẹ vẫn bị khất lại. Cho đến một ngày, khi tôi thực hiện lời hứa thì cũng là lúc bố mẹ cùng nhau về trời.

Tôi ngồi đọc lại những cánh thư ngày xưa mà bố mẹ nâng niu. Những cánh thư nhạt nhòa vì nước mắt...


Nguồn