Monday 31 January 2011

Thư tình gởi đến anh!


Giờ này anh đang làm gì hả anh? Đang vui với mái ấm gia đình hay làm gì nhỉ? Còn em, em đang ngồi để nhớ anh. Nhớ lại những phút giây hạnh phúc êm đềm, những ngày em có anh. Nhưng giờ đây mọi thứ đã xa rồi anh nhỉ? Mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm mà thôi…


Chiều nay bước chân em lại vô tình đi qua nơi ấy, nơi ghi lại dấu chân của chúng ta những lần ngồi bên nhau trong góc nhỏ của quán cafe. Nhưng giờ đây chỗ ngồi kia không phải là anh cũng không phải em mà là một đôi tình nhân nào đấy anh ạ, tất cả khiến em vỡ òa. Những giọt nước mắt lăn dài rồi thấm ngược vào trong. Ôi kỷ niệm còn đây mà sao anh đã xa em rồi…

Em nhớ anh nhớ đến cồn cào, đôi khi em chỉ muốn gào muốn thét lên thật lớn giữa đất trời bao la rằng anh ơi em nhớ anh vô cùng. Hay chỉ là việc cầm điện thoại lên và gọi cho anh nhưng bấy nhiêu thôi cũng là điều không thể với em rồi. Nhưng sao chứ anh? Anh không còn muốn gặp em vì sợ chị ấy làm em đau, hay anh sợ gia đình mình tan vỡ?… Hàng nghìn câu hỏi trong đầu cứ vây lấy em không lời giải đáp. Trong khi hai chúng mình sống có xa xôi gì nhau đâu anh nhỉ, nếu muốn chỉ 5 phút thôi anh có thể gặp em rồi, nhưng chưa bao giờ anh gọi cho em, chưa bao giờ hẹn gặp em, kể từ ngày ấy – ngày chị biết được quan hệ của anh và em. Em nhớ anh, nhớ không chịu nổi anh à. Làm sao đây hả anh? Nỗi nhớ anh không tài nào vơi được trong em, nhất là mỗi khi nghe ai nhắc tên anh, khi vô tình chạm vào kỷ niệm. Yêu thương ơi sao mong manh quá đỗi để duy nhất một điều nói yêu anh thôi cũng không thể nữa rồi.

Đã bao lần em tự hỏi lòng mình khi ở bên anh, sao anh lại yêu em? Câu hỏi mà cả anh và em đều không thể trả lời, chỉ biết lặng yên bên nhau nghe trái tim mình lỗi nhịp. Nhưng sao những phút giây bên anh bình yên đến vậy để giờ đây trái tim em không lúc nào yên vì nỗi nhớ anh cứ cồn cào đay nghiến. Anh đã từng hứa gì với em nhỉ? Anh từng nói với em rằng: Hãy để anh lo cho em như con gái của mình, lặng yên đi bên em, dõi theo em từ phía xa, anh muốn em đi học để có một công việc tốt hơn, anh muốn nhìn thấy em cười thay vì những giọt nước mắt cứ vỡ òa vì đau khổ. Thế mà giờ đây đến một lời động viên khích lệ cho em cũng không còn nữa, chỉ còn lại là sự lặng im đến tột cùng khiến em muốn nghẹt thở. Em phải làm sao đây anh? Phải làm sao với nỗi nhớ của mình? Hãy cho em câu trả lời anh nhé!

Nếu có phút giây nào đó nhớ đến em xin anh hãy gọi cho em nhé…

Dù hàng ngày không còn được gặp anh, không còn được thấy anh cười, được nghe anh nói, hay chỉ giản đơn là sáng mai ra được nhận dòng tin nhắn của anh chúc em ngày mới tốt lành, chứ không dám mơ gì những bữa trưa được anh lo cho từng ổ bánh mỳ… Tất cả chỉ là xa vời đúng không anh? Bởi anh không thuộc về em, không bao giờ cả. Vì thế giờ đây tất cả chỉ là mơ mà thôi. Biết vậy nhưng em vẫn mơ, những giấc mơ dài để vỗ yên trái tim đang vỡ vụn vì nhớ anh.

Nếu có phút giây nào đó nhớ đến em xin anh hãy gọi cho em nhé. Còn em, em không dám gọi cho anh đâu, vì nếu gọi em lại vi phạm lời hứa với chị ấy. Em sẽ không làm những điều anh không thích nữa anh nhé. Em sẽ ngoan không bướng bỉnh cứng đầu, không lý sự nhiều làm anh khó chịu. Và em cũng sẽ cố gắng học, em sẽ không làm anh thất vọng hay cảm thấy xấu hổ với những người anh đã phải mở lời gửi gắm em.

Thôi em đi học đây anh ạ. Em sợ lắm con đường ấy, con đường đi học lại qua lối cũ mình ngồi, sao kỷ niệm cứ vây quanh em dù em đang cố gắng rất nhiều để có thể quên anh chứ. Em sẽ rất nhớ anh, nhớ thật nhiều… Vì em yêu anh rất nhiều.


xinhaytinem_halinh@yahoo.com

Tuesday 25 January 2011

Bức thư cảm động của cha gửi con


Tết năm nào trên ban thờ ông nội cũng có mứt, có bánh chưng xanh, có giò lụa... Nhưng sao vẫn thiếu hương vị Tết quê hương.

Những ngày giáp Tết Tân Mão, chúng tôi nhận được một bức thư của anh Ngô Tiến Điệp, một cộng tác viên của báo tại Liên Bang Nga. Bức thư anh gửi cho con trai hiện đang sống ở Việt Nam nhưng cũng chính là nỗi lòng của những người con Việt đang sống và làm việc ở các nước bạn mỗi lúc Tết đến xuân về. Dù ở đâu và làm gì họ vẫn luôn hướng về quê hương với một nỗi nhớ không nguôi. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Bố, mẹ mong muốn đưa con về Việt Nam nhưng thật khó thực hiện. Ở bên này mà nhớ da diết cái lạnh tê buốt 10 đầu ngón tay của không khí Tết miền Bắc. Bố tự nhủ, năm sau sẽ đưa con về Việt Nam học tập và năm sau gia đình mình sẽ đón Tết cổ truyền.

Đã gần một năm nay, không một ngày nào bố mẹ không nghĩ tới việc ấy và chưa lúc nào bố mẹ tìm ra được một quyết định rõ ràng. Nếu con biết bố mẹ yêu thương, lo lắng cho con tới mức nào thì con sẽ hiểu được tâm trạng của bố lúc này. Con biết không, "đất khách quê người" - câu nói này đã luôn đeo bám bố mỗi lần nghĩ đến việc quyết định cho con về nước hay ở lại. Cũng đúng thôi con ạ, vì bố mẹ đã sống xa quê hương 20 năm trời rồi. Sự thiếu thốn của người tha phương như bố mẹ đã thực sự thấu hiểu, chính vì vậy, bố không muốn con phải chịu sự thiệt thòi ấy như bố mẹ đã từng phải chịu đựng.

Đất nước mình còn nghèo, còn gian truân vất vả, điều kiện sống không tốt bằng ở nước ngoài, thế nhưng đó không phải là tất cả con à! Con biết không, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê hương mới thật sự trỗi dậy trong lòng mỗi người xa xứ. Từ ngày sinh con ra, cứ vào ngày 28 Tết, bố lại lội tuyết để tìm chặt một cành cây cho mẹ con làm cành hoa đào giả. Mẹ cặm cụi, miệt mài cắt dán cành hoa giống như cành đào thật, thế nhưng cái không khí Tết thì chẳng thật chút nào.

Trên ban thờ ông nội, Tết năm nào cũng có mứt, có bánh chưng xanh, có giò lụa. Bánh chưng làm bởi thứ gạo nếp ngon nhất, giò lụa cũng được làm bởi thịt lợn Nga tốt nhất, nhưng sao vẫn thiếu hương vị Tết quê hương. Cũng phải thôi, gạo đỗ thì ngon thế, nhưng bánh chưng vì thiếu lá dong, phải bọc lớp giấy bóng bên ngoài để luộc, làm sao mà ngon được. Giò lợn thì được luộc bằng ống bơ làm bằng tôn, tuy mịn, hồng như giò ở Việt Nam nhưng thiếu mùi lá chuối vườn nhà, làm sao mà thơm được!



Rồi mỗi tết Trung thu đến, mẹ con chuẩn bị đủ mọi thứ để làm mâm cỗ đón trăng cho con. Nhưng mọi cố gắng của mẹ, cũng chỉ làm cho con cùng các bạn chung vui như một buổi sinh nhật. Mọi cố gắng của mẹ cũng không thể làm cho con hiểu được thế nào là Tết Trung thu, bởi con chưa hề có khái niệm gì về Trung thu cả. Ngày bố còn bé, hàng năm bố đều mong nhanh tới ngày Tết để được đi cắm trại, để được bà nội mua cho cái đèn kéo quân, cái mũ đầu sư tử, cái đèn ông sao, và vui hơn nữa là cùng các bạn đùa vui dưới ánh trăng rằm. Và bố đang nghĩ, con trai của bố sẽ thiệt thòi biết nhường nào nếu không được đón Trung thu ở quê nhà.

Con trai à!

Cây có cội, có nguồn, người có tổ có tông, mình là người Việt Nam, mình phải biết tiếng Việt Nam, nói ngôn ngữ Việt Nam. Bố mong rằng, những bài học đầu tiên, những vần chữ đầu tiên mà con ghép được là chữ Bố, chữ Mẹ chứ không phải chữ Má-ma, Pá-pa.

Là người Việt, con phải được đến thăm đền thờ các đời vua Hùng. Là người Việt, con phải được đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, được nghe bài cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, được biết về công lao to lớn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, biết lịch sử của Văn miếu Quốc tử giám... Bố muốn trong tâm hồn con có bóng dáng của cây đa, bến nước, con đò, có hình bóng của cây tre Việt Nam. Bố muốn trong sâu thẳm tâm hồn con có âm điệu của những làn điệu chèo, của những làn quan họ, của những lời hát ru. "Thiếu quê hương, ta về, ta về đâu" - đó là câu hát luôn vang vọng trong trái tim của bố, và bố nghĩ rằng nếu thiếu nó tâm hồn con sẽ khô cạn, cuộc sống của con sẽ tẻ nhạt và con sẽ luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng, không thể tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống khi con đã trưởng thành.

Từ những suy nghĩ miên man ấy, bố mẹ đã đi đến quyết định để mẹ về Việt Nam cùng con, để con được học tập ở quê hương mình. Dẫu biết rằng quyết định này thật khó khăn, dẫu biết rằng, quyết định như vậy, đồng nghĩa với việc bố phải xa hai mẹ con. Và bố luôn lo lắng cái ngày ấy sớm đến.

Con trai của bố! hai mẹ con sống mặc dù được sống ở quê nhà nhưng không có bố bên cạnh, có những lúc con sẽ chạnh lòng khi nhìn thấy các bạn có bố đưa đi học, đôi khi con sẽ cảm thấy thiếu tự tin trước các bạn... Con cứ yên tâm, và tâm niệm rằng, bố luôn nghĩ về hai mẹ con và động viên hai mẹ con vững vàng trong cuộc sống.

Bù lại việc phải sống xa bố, con lại được học, được nói tiếng Việt, được vui chơi, học tập cùng các bạn Việt Nam, được hát, được đọc những bài hát, bài thơ, bài văn về quê hương, đất nước mình. Con sẽ được sống trong tình yêu thương của bà nội, của cô, dì, chú bác và các anh chị em trong gia đình. Con sẽ được hiểu thế nào là "học ăn, học nói, học gói, học mở". Con sẽ được nghe câu "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", những nét giáo dục thuần Việt. Những điều ấy, nếu ở Nga sẽ không bao giờ con được học, và khi lớn lên, con không thể hòa nhập với văn hóa của gia đình mình, không thể tiếp xúc cởi mở được với chính những đồng bào của mình một cách thoải mái.

Con trai thân yêu!

Viết những dòng tâm sự này cho con không có nghĩa là bố hoàn toàn phản đối việc cho con học tập ở nước Nga. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Rất nhiều các anh chị lớn hơn con, đã sinh ra và lớn lên, rồi học tập ở nhiều nước trên thế giới, họ cũng rất thành công trong sự nghiệp và vẫn đóng góp được nhiều cho Tổ quốc. Nhưng với riêng con, bố mong con hiểu rằng, được sống và học tập tại chính quê hương mình là ước mơ của tất cả mọi người. Là quyền lợi và niềm tự hào của con. Con trai của bố hãy cố gắng học tập, rèn luyện cho tốt nhé.


Nguồn

Wednesday 19 January 2011

Bay đi những cánh thư email

Dù sống lâu năm trên đất Mỹ, vẫn còn nhiều điều trong cách giao tiếp, ứng xử sao cho phù hợp với cách sống, văn hoá của người Mỹ, đáng để chúng ta tìm hiểu và áp dụng. Địa vị, học thức… không hẳn giúp bạn tránh được những lỗi lầm sơ đẳng trong giao tiếp hàng ngày. Chuyên mục “Văn hoá - Ứng xử” do Bảo Sơn & Julia Nguyễn phụ trách sẽ giới thiệu đến quý độc giả những kinh nghiệm, nguyên tắc của người Tây phương, cụ thể là người Mỹ, để quý bạn tham khảo theo tinh thần câu phương ngôn “Nhập gia tùy tục”...



JULIE NGUYỄN

Thời đại internet ngày nay đã thu hẹp không gian, và thế giới hầu như nhỏ lại. Phương tiện truyèn thông bằng những bức điện thư email được gửi đi đến bất cứ nơi nào chỉ trong tích tắc. Và hơn nữa nó hoàn toàn miễn phí. Nhưng sử dụng email như thế nào cho đúng cách? Đối phó thế nào với những người lạm dụng email để trêu ghẹo, để đùa dai, phá phách hay muốn tấn công bạn?

Bạn nhận và gửi bao nhiêu email trong một ngày? Bạn có bao nhiêu email? Email dùng thường ngày, email cho bussiness (gọi là email sống) và email (chết) cũ, năm khi mười họa mới mở một lần. Bạn nên cẩn thận khi sử dụng email. Cần biết cách nhận diện những email lạ, có thể do hacker gửi tới có kèm những "virus" để tấn công máy. Cũng có thể do bạn bè hay những người ăn không ngồi rồi nào đó phá phách, hay trêu chọc. Bạn nên delete những email có những nickname lạ như tìnhvui@..., codonmotdoi@..., hoặc những subject (tiêu đề) ngộ nghĩnh, hấp dẫn lôi cuốn trí tò mò như "I love You", "Free Flight ticket". Loại trừ ngay những email quảng cáo của những hãng xa lạ mà bạn chưa bao giờ giao dịch như "Free $100, free shopping card, free vacation,..." chỉ cần bạn lỡ click một lần, những quảng cáo này sẽ bám chặt bạn cho tới khi bạn đầu hàng, phải mua program anti-pop-up hay máy mới. Chớ bao giờ tham gia ghi tên vào những cuộc quảng cáo thăm dò ý kiến. Đa số những quảng cáo thương mại, hacker thường nấp sau những cuộc thăm dò ý kiến về chính trị, về xã hội,... Vì vậy tuyệt đối delete hết tất cả những email lạ, và không nên cho email bừa bãi.

Trong trường hợp bạn nhận một email có tính cách trêu chọc, đùa nghịch của bạn bè, người quen hay chính người cấp trên mà bạn không thích, bạn không nên cố gắng đùa lại để tránh mất lòng họ. Vì trò đùa kéo dài, mỗi lúc càng nhiều hơn sẽ đi đến tình trạng quá lời. Cách tốt nhất nếu cần, bạn nên hồi âm một cách chừng mực, ngắn gọn. Qua 1,2 email qua lại chuyện bông đùa sẽ tự nhiên chấm dứt.

Nếu có ai gửi cho bạn một email nội dung kể về một tin đồn, hoặc những chuyện không đáng tin. Bạn không nên vội vã đồng tình và loan truyền với người khác. Không khéo chính bạn sẽ trở thành người phao tin mà email của bạn là một bằng chứng khó thể chối cãi. Bạn nên hồi âm với sự cẩn trọng và nhắc nhở người gửi nên kiểm chứng lại.

Trường hợp bạn bè, người quen hay những người lợi dụng email của bạn để quảng bá tên tuổi của họ mà bạn không thích. Thí dụ, mỗi ngày bạn đều phải nhận một bài thơ hay bài hát và email của bạn nằm trong mailling list của họ. Gửi email yêu cầu họ ngưng gửi hay xóa tên trong mailling list ư? Vô hiệu. Vì những người này họ rất bận gửi thư đi và chẳng bao giờ có thời gian đọc thư đến. Cách tốt nhất là bạn nên tìm cách khóa (block) tên họ trong chính account của mình.

Khi sử dụng email để gửi đi, bạn nên nhớ tránh những điều sau đây:

1. Không chuyển những email có tính cách riêng tư của cá nhân mà bạn nhận được cho bất kỳ ai nếu chưa được phép (hành động này ví như tiết lộ thư riêng của người khác), ngoại trừ những loại tin tức, danh ngôn,...

2. Không viết email bằng loại chữ in hoặc tô đậm, tô màu chữ trong email. (người nhận sẽ hiểu bạn đang trách họ không lưu ý, hay bạn đang muốn nhấn giọng)

3. Không email những tin đồn hoặc những tin bạn chưa biết chính xác.

4. Không dùng email để bàn luận hay tranh cãi về những vấn đề nhạy cảm.

5. Không viết hay gửi email trong lúc xúc động quá như yêu quá, ghét quá. giận quá hay vui quá. Vì email gửi đi bạn không xóa hay lấy lại được. Nên nhớ email là một bằng chứng, bạn không thể nuốt email như nuốt lời được.

6. Bạn không nên dùng email để phê phán hay chỉ trích người khác.

7. Không dùng email để than phiền về công việc, về cấp trên,...

8. Không dùng email để kể lể về những chi tiết riêng tư, hoàn cảnh cá nhân.

9. Nếu bạn bè hoặc ai đó gửi bạn một lời chào, một lời chúc hoặc tấm thiệp bạn nên gửi lại lời cảm ơn. Sự im lặng trong lúc này có nghĩa bạn đang đóng sập một cánh cửa.

10. Nếu ai đó gửi cho bạn một câu đùa nhẹ nhàng, bạn không nên im bặt. Sự im lặng có thể gây hiểu lầm là bạn không ưa họ.

Qua email, chúc các bạn vui hưởng một tiện nghi mới mà các thế hệ trước đã thiếu may mắn, không có nó.


Nguồn

Sunday 16 January 2011

Thư Gửi Con: Câu Chuyện Mùa Đông


Khi con còn say ngủ, mẹ đã lên đường. Tân Sơn, Phú Thọ - mẹ cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó. Chỉ một đoạn đường cách Hà nội hơn trăm cây số. Đi qua Thanh Thuỷ, nơi người Hà nội lũ lượt rủ nhau lên tắm khoáng nóng và du lịch sinh thái. Thêm vào chục cây số nữa là tới Tân Sơn. Cũng gần phải không con?

Vậy mà ở khoảng cách gần ấy, mẹ đã thấy những gì hiện ra ở mảnh đất này? Những con đường lầy bùn. Chuẩn bị sáng tháng 12 mà hai hôm trước vẫn còn mưa rào kèm gió lạnh. Dọc con đường mẹ đi, mắt trẻ thơ ngơ ngác dõi theo. Những đôi chân trần chạy bộ giữa tiết trời buốt giá. Áo cộc phong phanh. Chiếc kẹo mẹ dúi cho, có bạn thì nhai nghiến ngấu, có bạn thì mút nửa chừng rồi cho vào giấy bọc lại. Hỏi: tại sao? Trả lời: để dành đến chiều. Mẹ đưa thêm kẹo, chiếc kẹo bọc giấy kia vẫn cương quyết không gỡ ra. Vẫn để đến chiều. Còn ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa. Kẹo thì chỉ có chừng ấy thôi. Ăn hết tiếc lắm.

Mà mơ ước kẹo làm gì. Kẹo là thứ quá đỗi xa xỉ ở nơi này. Chỉ hơn trăm cây số từ bưu điện Bờ Hồ, mà nơi này giăng giăng mây phủ giữa bốn bề rừng núi. Như đâu đó ở xa xôi lắm. Hoc trò lớp sáu mà chưa được hai chục cân. Quần lò xo, dép tổ ong đuổi nhau huyên náo khắp sân trường. Như không từng tồn tại bên mình mùa đông đang buốt lạnh, những sáng mai lội bộ đến trường, người rét cóng. Củ khoai cho bữa sáng chẳng thấm tháp gì. Da bụng lép kẹp, người run bẩy bẩy không biết vì lạnh hay vì đói. Ngồi trước trang vở, tay chẳng thể cầm được bút. Các đốt ngón tay như không phải của mình nữa. Lạnh cóng, đến mức không còn cảm giác đau nữa.

Cách Tháp Rùa chỉ hơn trăm cây số, học trò Tân Sơn cũng ở bán trú.
Nhưng là bán trú cả tuần. Cả tuần không có cha mẹ kề bên. Tự xúm xít bên nhau những bữa cơm đơn sơ, với nồi canh lõng bõng nước; có khi chẳng cần thịt, chẳng cần cá. Nói thì nói thế cho oai. Cha mẹ nghèo, lấy tiền đâu mua thịt cá đây? Đến cái kẹo cũng ăn dè, thì mơ gì thịt cá? Mẹ chạnh nhớ các bạn con ở vùng núi Tây Bắc, những bữa cơm chỉ có muối trắng rang khô trên nắp nồi gang và canh hoa ban không dầu mỡ. Mùa đông, những căn nhà dựng bằng cót ép không che chắn nổi những trận gió buốt thấu xương. Để chống chọi với giá lạnh, ban ngày những bạn nhỏ ấy phải vào rừng nhặt cành củi khô, đêm về đốt. Hơi lửa ấm giúp những giấc ngủ được vỗ về. Có lúc lạnh quá, nhớ nhà, chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Thật khó hình dung những điều mẹ kể phải không con? Những câu chuyện mà con nghĩ chỉ có trong sách vở. Nhưng con ạ, sách vở sẽ có ý nghĩa gì nếu không bắt đầu từ chính cuộc sống này. Mẹ sẽ không để con bị đói, bị rét; nhưng mẹ cũng không muốn con quên rằng, có những bạn nhỏ của mình chân bấm bùn mới sớm mai đến trường và ngay đến chiếc kẹo cũng phải ăn dè.

Con ạ.
Mỗi sớm mùa đông, khi con khoác lên mình tấm áo ấm, hãy nghĩ đến giá lạnh ở những nơi khác mà mùa đông còn khắc nghiệt hơn gấp bội. Nơi ấy có thể rất xa, nhưng cũng có thể ở rất gần nơi chúng ta đang sống đây...