Tuesday 25 January 2011

Bức thư cảm động của cha gửi con


Tết năm nào trên ban thờ ông nội cũng có mứt, có bánh chưng xanh, có giò lụa... Nhưng sao vẫn thiếu hương vị Tết quê hương.

Những ngày giáp Tết Tân Mão, chúng tôi nhận được một bức thư của anh Ngô Tiến Điệp, một cộng tác viên của báo tại Liên Bang Nga. Bức thư anh gửi cho con trai hiện đang sống ở Việt Nam nhưng cũng chính là nỗi lòng của những người con Việt đang sống và làm việc ở các nước bạn mỗi lúc Tết đến xuân về. Dù ở đâu và làm gì họ vẫn luôn hướng về quê hương với một nỗi nhớ không nguôi. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Bố, mẹ mong muốn đưa con về Việt Nam nhưng thật khó thực hiện. Ở bên này mà nhớ da diết cái lạnh tê buốt 10 đầu ngón tay của không khí Tết miền Bắc. Bố tự nhủ, năm sau sẽ đưa con về Việt Nam học tập và năm sau gia đình mình sẽ đón Tết cổ truyền.

Đã gần một năm nay, không một ngày nào bố mẹ không nghĩ tới việc ấy và chưa lúc nào bố mẹ tìm ra được một quyết định rõ ràng. Nếu con biết bố mẹ yêu thương, lo lắng cho con tới mức nào thì con sẽ hiểu được tâm trạng của bố lúc này. Con biết không, "đất khách quê người" - câu nói này đã luôn đeo bám bố mỗi lần nghĩ đến việc quyết định cho con về nước hay ở lại. Cũng đúng thôi con ạ, vì bố mẹ đã sống xa quê hương 20 năm trời rồi. Sự thiếu thốn của người tha phương như bố mẹ đã thực sự thấu hiểu, chính vì vậy, bố không muốn con phải chịu sự thiệt thòi ấy như bố mẹ đã từng phải chịu đựng.

Đất nước mình còn nghèo, còn gian truân vất vả, điều kiện sống không tốt bằng ở nước ngoài, thế nhưng đó không phải là tất cả con à! Con biết không, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê hương mới thật sự trỗi dậy trong lòng mỗi người xa xứ. Từ ngày sinh con ra, cứ vào ngày 28 Tết, bố lại lội tuyết để tìm chặt một cành cây cho mẹ con làm cành hoa đào giả. Mẹ cặm cụi, miệt mài cắt dán cành hoa giống như cành đào thật, thế nhưng cái không khí Tết thì chẳng thật chút nào.

Trên ban thờ ông nội, Tết năm nào cũng có mứt, có bánh chưng xanh, có giò lụa. Bánh chưng làm bởi thứ gạo nếp ngon nhất, giò lụa cũng được làm bởi thịt lợn Nga tốt nhất, nhưng sao vẫn thiếu hương vị Tết quê hương. Cũng phải thôi, gạo đỗ thì ngon thế, nhưng bánh chưng vì thiếu lá dong, phải bọc lớp giấy bóng bên ngoài để luộc, làm sao mà ngon được. Giò lợn thì được luộc bằng ống bơ làm bằng tôn, tuy mịn, hồng như giò ở Việt Nam nhưng thiếu mùi lá chuối vườn nhà, làm sao mà thơm được!



Rồi mỗi tết Trung thu đến, mẹ con chuẩn bị đủ mọi thứ để làm mâm cỗ đón trăng cho con. Nhưng mọi cố gắng của mẹ, cũng chỉ làm cho con cùng các bạn chung vui như một buổi sinh nhật. Mọi cố gắng của mẹ cũng không thể làm cho con hiểu được thế nào là Tết Trung thu, bởi con chưa hề có khái niệm gì về Trung thu cả. Ngày bố còn bé, hàng năm bố đều mong nhanh tới ngày Tết để được đi cắm trại, để được bà nội mua cho cái đèn kéo quân, cái mũ đầu sư tử, cái đèn ông sao, và vui hơn nữa là cùng các bạn đùa vui dưới ánh trăng rằm. Và bố đang nghĩ, con trai của bố sẽ thiệt thòi biết nhường nào nếu không được đón Trung thu ở quê nhà.

Con trai à!

Cây có cội, có nguồn, người có tổ có tông, mình là người Việt Nam, mình phải biết tiếng Việt Nam, nói ngôn ngữ Việt Nam. Bố mong rằng, những bài học đầu tiên, những vần chữ đầu tiên mà con ghép được là chữ Bố, chữ Mẹ chứ không phải chữ Má-ma, Pá-pa.

Là người Việt, con phải được đến thăm đền thờ các đời vua Hùng. Là người Việt, con phải được đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, được nghe bài cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, được biết về công lao to lớn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, biết lịch sử của Văn miếu Quốc tử giám... Bố muốn trong tâm hồn con có bóng dáng của cây đa, bến nước, con đò, có hình bóng của cây tre Việt Nam. Bố muốn trong sâu thẳm tâm hồn con có âm điệu của những làn điệu chèo, của những làn quan họ, của những lời hát ru. "Thiếu quê hương, ta về, ta về đâu" - đó là câu hát luôn vang vọng trong trái tim của bố, và bố nghĩ rằng nếu thiếu nó tâm hồn con sẽ khô cạn, cuộc sống của con sẽ tẻ nhạt và con sẽ luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng, không thể tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống khi con đã trưởng thành.

Từ những suy nghĩ miên man ấy, bố mẹ đã đi đến quyết định để mẹ về Việt Nam cùng con, để con được học tập ở quê hương mình. Dẫu biết rằng quyết định này thật khó khăn, dẫu biết rằng, quyết định như vậy, đồng nghĩa với việc bố phải xa hai mẹ con. Và bố luôn lo lắng cái ngày ấy sớm đến.

Con trai của bố! hai mẹ con sống mặc dù được sống ở quê nhà nhưng không có bố bên cạnh, có những lúc con sẽ chạnh lòng khi nhìn thấy các bạn có bố đưa đi học, đôi khi con sẽ cảm thấy thiếu tự tin trước các bạn... Con cứ yên tâm, và tâm niệm rằng, bố luôn nghĩ về hai mẹ con và động viên hai mẹ con vững vàng trong cuộc sống.

Bù lại việc phải sống xa bố, con lại được học, được nói tiếng Việt, được vui chơi, học tập cùng các bạn Việt Nam, được hát, được đọc những bài hát, bài thơ, bài văn về quê hương, đất nước mình. Con sẽ được sống trong tình yêu thương của bà nội, của cô, dì, chú bác và các anh chị em trong gia đình. Con sẽ được hiểu thế nào là "học ăn, học nói, học gói, học mở". Con sẽ được nghe câu "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", những nét giáo dục thuần Việt. Những điều ấy, nếu ở Nga sẽ không bao giờ con được học, và khi lớn lên, con không thể hòa nhập với văn hóa của gia đình mình, không thể tiếp xúc cởi mở được với chính những đồng bào của mình một cách thoải mái.

Con trai thân yêu!

Viết những dòng tâm sự này cho con không có nghĩa là bố hoàn toàn phản đối việc cho con học tập ở nước Nga. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Rất nhiều các anh chị lớn hơn con, đã sinh ra và lớn lên, rồi học tập ở nhiều nước trên thế giới, họ cũng rất thành công trong sự nghiệp và vẫn đóng góp được nhiều cho Tổ quốc. Nhưng với riêng con, bố mong con hiểu rằng, được sống và học tập tại chính quê hương mình là ước mơ của tất cả mọi người. Là quyền lợi và niềm tự hào của con. Con trai của bố hãy cố gắng học tập, rèn luyện cho tốt nhé.


Nguồn

No comments:

Post a Comment