Friday 18 February 2011

Chuyện những cánh thư chở nặng ân tình thời chiến


Trong căn nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế, tuy đã gần 80 nhưng bà Thư mắt vẫn còn sáng lắm. Bằng giọng trầm ấm, bà bồi hồi kể về chuyện tình đã viết lên sách với người bạn, người chồng mà bà vô cùng yêu quý - cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nên duyên nhờ những cánh thư

Sinh ra trong một gia đình viên chức ở Thị xã Móng Cái, đến khi xảy ra chiến sự gia đình bà tản cư đến tận Thanh Hóa… Lớn lên, tốt nghiệp lớp trung cấp nữ hộ sinh xong bà về công tác tại y tế Hà Đông (thuộc Hà Nội ngày nay).

Cho đến tháng 10/1953 trở về sau đánh dấu quãng đời với những kí ức đẹp không thể quên về chuyện tình thời chiến của bà. Ngày đó là thời gian đầu thoát ly gia đình, đang mải mê sống và học tập trong một tập thể lớn thì bất ngờ cô nữ hộ sinh nhận được hai lá thư, một của bố mẹ gửi từ Thanh Hóa ra, một của người con trai chưa hề quen biết. Và, từ đó bắt đầu một chuyện tình đầy cảm động.

Những lá thư đều đặn từ người con trai có tên Lê Ngọc Hiền, sau này là chồng, là bạn đời đến giờ bà vẫn còn lưu giữ. Cầm trên tay những lá thư đã ố vàng nhuộm màu thời gian, bà thư nhớ lại: “Ngày ấy, vợ chồng chúng tôi đến được với nhau là nhờ những lá thư này.

Lá thư đầu tiên anh viết vì không muốn làm tôi bất ngờ, lúng túng khi hai người gặp nhau. Anh nói anh là bạn của anh Xuân người yêu Tố, bạn tôi. Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi có ưng không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư để tôi tìm hiểu anh trước".

Không lâu sau đám cưới hai người bạn Xuân-Tố được tổ chức, bà Thư và ông Hiền được anh em bộ đội sắp xếp cho gặp mặt. Từ đây, mối tình của họ mới thực sự đơm hoa.

Và cứ thế những cánh thư vượt bao làn khói đạn giữa miền Trung-Bắc đã nối liền khoảng cách tâm hồn anh bộ đội Ngọc Hiền và cô nữ hộ sinh Ngọc Thư. Để rồi cuối cùng ngày vui của ông Hiền, bà Thư cũng đến như một kết thúc có hậu thời loạn lạc.

Trước sự chứng kiến của đồng đội, sự tác hợp của đơn vị chiến đấu, một đám cưới giản dị đã diễn ra. Cô dâu vẫn quần đen, áo nâu, chít khăn mỏ quạ như ngày thường. “Nhớ lại đám cưới của mình mà thấy buồn cười. Nhiều người cứ  nhìn cô dâu, chú rể mãi mà không biết ở đâu. Nhưng thời chiến, thế là vui lắm rồi,” bà Thư xúc động nói.

"Anh và Thư "- Tình yêu và cuộc đời

Xuyên qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, không chỉ có tình yêu bị thử thách bởi bom đạn, thời gian  mà những cánh thư mỏng mảnh từ chiến trường bay trở về với người thân nơi hậu phương cũng  phải xuyên qua làn bom đạn, phải trải qua biết bao khó khăn, cách trở. Có những lá thư nhuốm máu…

Những lá thư không chỉ trở nặng ân tình, thương nhớ, nó còn là tin báo để người hậu phương biết chồng, cha, anh, em, con mình vẫn còn sống, vẫn đang chiến đấu vì đất nước, vì hòa bình. Những lá thư chứa đựng một phần đời mỗi con người trong đó.

Chính vì vậy, hàng ngàn lá thư của đôi vợ chồng Lương Ngọc Thư-Lê Ngọc Hiền  đã trở thành những vật chứng hùng hồn về tình yêu, về lòng chung thủy, sự kiên định, dũng cảm của người lính ra đi vì sự nghiệp non sông, sự sắt son  và năm tháng của người vợ nơi hậu phương, giỏi việc nước, đảm việc nhà...để rồi sau này chúng được tập hợp và in thành tập sách "Anh và Thư."

Mỗi lần chạm vào quá khứ bà Thư lại đẫm lệ hồi tưởng những kỷ niệm dường như “chỉ mới như ngày hôm qua mà thôi,'' bà say sưa kể: Sau ngày cưới, anh bộ đội Lê Ngọc Hiền trở về đơn vị để cô dâu trẻ lại làm việc nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường của người thân nơi hậu phương, những cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…

Đối với bà Thư, cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền như một người anh, người thầy về cuộc sống, về lý tưởng cách mạng.

Trong một bức thư gửi vợ, trước khi phải đi chiến trường xa, ông Hiền viết: “Anh lại đi xa một thời gian, đi xa để làm nhiệm vụ mà Đảng giao cho, là vinh dự cho anh và cũng là vinh dự cho cả hai vợ chồng ta. Em đừng buồn nhé. Cuộc tình duyên của chúng ta đã trải qua bao nhiêu đấu tranh khó khăn, em cũng vẫn vững trí kiên trì mà vượt qua được để xứng đáng với nhau…”.

Trong “kho” thư ấy, lá thư khiến bà vui nhất chính là bức được viết sau ngày đất nước giải phóng. Bởi theo bà, sau giải phóng nhiều người trở về, mà ông Hiền không thấy tin gì, khi nhận được thư bà mới biết chồng vẫn sống. Bà Thư bồi hồi đưa cho chúng tôi bức thư được viết ngày 15/5/1975.

“Thư yêu quý!… Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào? Và những cảm tưởng trong người mình là cái gì?...”.

Hàng ngàn bức thư của hai ông bà Hiền-Thư đó chính là những kỷ vật quý giá ghi dấu ấn về một thời chiến ác liệt nhưng cũng vô cùng tình nghĩa sắt son. “Tôi cũng thường đưa những lá thư của mình ra khuyên dạy, nhắc nhở các con để chúng biết mà sống chung thuỷ.

Ngoài những lá thư in thành sách tôi đã gửi hàng trăm lá thư cho bảo tàng Quân sự Việt Nam, với mong muốn để mọi người biết rằng, thời xưa dù khó khăn, vất vả đến mấy, chuyện tình của họ vẫn bền bỉ, thủy chung,” bà Thư vừa ngước nhìn lên di ảnh chồng vừa nói./.


Nguồn

No comments:

Post a Comment